Thursday, January 25, 2007

Vụ Thiên Lợi Hòa

Vụ này càng ngày càng nóng. Tcty không khéo thì "mất cán bộ" ...

Ngày 9/9/06, bắt bà Liên và ông Tần, GĐ và Phó GĐ Thiên Lợi Hòa [
ở đây] ...

Ngày 12/10, bắt ông Hậu, GĐ Kim Liên [
ở đây ] ...

Ngày 28/11, bắt ông Minh và ông Dũng, cán bộ C15 nhận hối lộ hơn 1 tỉ đồng, có hành vi chạy án cho Thiên Lợi Hòa [
ở đây ] ...

Ngày 12/1/07, bắt ông Kim, Phó Chủ Tịch tỉnh Lào Cai [
ở đây ] ...

Ngày 13/1. bắt 5 cán bộ Hải Quan huyện Bát Xát, gồm Chi Cục Trưởng, Chi Cục Phó và 3 cán bộ [
ở đây ] ...

Ngày 25/1, bắt 7 cán bộ Cục Hải Quan Lào Cai, trong đó có Cục Trưởng Đinh Bá An [
ở đây ] ...

Còn ai nữa không nhỉ ?

Sunday, January 21, 2007

Câu chuyện bát mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì".Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

o O o

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể... cho tôi một… bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn !” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.
Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?
- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.
Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì”
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc hạnh phúc ! Cám ơn !”
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!
Lại một năm nữa trôi qua.
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.
Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.
Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.
Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.
Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:
- Các vị… các vị là…
Một trong hai thanh niên tiếp lời:
-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.

o O o

Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng : chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt ,nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.
Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng : "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt." Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Tuesday, January 09, 2007

Vụ án !

Hồi 22h: Theo tin đã đưa, ngày hôm nay mùng 2 tháng 12 năm 2006, trên đường phố Hà Nội xảy ra một vụ án rất là nghiêm trọng. Nạn nhân là một thằng ăn xin bị giật mất một cái dây chuyền vàng ...bởi thằng cụt tay ngồi trên một chiếc xe máy do một thằng cụt chân đèo. Bên kia đường có một thằng mù nhìn thấy, kể cho thằng điếc nghe, thằng điếc bảo thằng câm gọi điện thoại cho Công An, đến giờ vẫn chưa bắt được thủ phạm

Đái bậy !

Trong một cuộc họp, phía Nga bảo dân VN mất vệ sinh toàn đái bậy ngoài đường, phía VN bảo: "làm đ.. gì có chuyện đấy!". Phía Nga nói "Đêm nay bọn tao xách AK-47 đi quanh hồ Tây, thấy thằng nào đái bậy là xử luôn. Phía VN ok. Sáng hôm sau VN thiệt 37 mạng. Ức chế quá, VN cử 2 đặc nhiệm sang Nga, vác colt đi quanh quảng trường đỏ và làm như bọn Nga. 2 chú đặc nhiệm đi cả đêm, vừa mệt vừa rét đến gần 2h sáng mới thấy 1 thằng tè đường, 2 chú mừng quá nã sạch đạn vào hắn. Sáng hôm sau, báo chí nga đưa tin:"Đêm qua, đại sứ VN ở Nga bị bọn khủng bố bắn chết khi đang làm nhiệm vụ."

MÁU THAM HỄ THẤY HƠI ĐỒNG...

magnify

Bài gốc có tựa đề "Nhiều sâu" đăng trên báo Thể thao và Văn hóa số thứ Bảy ngày 6.1.2007. Mời bà con cùng đọc cho vui.

Dịp cuối năm, Hội Nhà văn Hà Nội nhận đ­ược thông báo: Hội sẽ nhận đư­ợc một khoản kinh phí bổ sung dành cho việc đầu tư­ sáng tác cho hội viên (18 triệu đồng).

Số tiền này, nếu cấp cho những hội viên có bản thảo cần sửa sang trư­ớc khi đem xuất bản thì chỉ như­ muối bỏ biển. Sẽ có 9 ng­ười đ­ược hỗ trợ nếu cấp 2 triệu đồng/ ngư­ời, 18 ngư­ời đư­ợc nhận “h­ương hoa” nếu cấp 1 triệu đồng/ ng­ười. Hội có 500 hội viên, nh­ư vậy là nếu có làm xong việc hỗ trợ thì mỗi năm ít nhất cũng có 480 hội viên không thỏa nguyện.

Trong một cuộc họp, ông Bùi Việt Mỹ đề xuất đầu t­ư cho hai hội viên làm thơ là LHQ và TG. Ban Chấp hành cho biết tiền vẫn chư­a chuyển về đến Hội, vả lại khi có tiền thì cũng phải lập quy chế xét đầu tư­, phải thông báo đến toàn bộ hội viên, tổng hợp danh sách một lần, rồi hội đồng đầu tư­ sẽ bỏ phiếu theo đúng quy chế, đảm bảo đúng đắn và công bằng...

Như­ sau mọi cuộc họp quan trọng (hoặc không quan trọng) ở xứ ta, trong nhà chư­a tỏ ngoài ngõ đã tư­ờng, tin tức đ­ược chuyển ra ngoài, đến tai những ông xin đầu tư­. Ông LHQ gọi điện cho chủ tịch Hội, văng đủ mọi thứ ngôn từ tục tằn vì không đầu tư­ tiền cho trư­ờng ca của ông. Một ông/ bà khác từ số 091538678.. thì nhắn tin vào điện thoại của chủ tịch, nhiều nhất là thứ từ ngữ thô bỉ, vì không đư­ợc như­ ý muốn.

Hội Nhà văn Hà Nội nhiều năm qua đư­ợc coi là Hội hoạt động có hiệu quả mà không vư­ớng mùi vật chất. Hội viên gặp nhau trong những hoạt động chung, nghèo nh­ưng vui vẻ, dù không có chia bôi xí phần gì. Mỗi năm kinh phí toàn bộ do thành phố cấp chỉ xấp xỉ 35 triệu. Toàn bộ Ban Chấp hành không ăn l­ương ở Hội, không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào như­ xăng xe, điện thoại... Không có tiền thì vui và yên ấm. Bây giờ vừa bắt đầu đặt vào tình trạng có khoản đầu tư­ (quá hẻo) thì tiếng rủa sả nổi lên. Mà ngay khi om sòm như­ vậy thì tiền vẫn ch­ưa kịp rót vào tay Hội.

Khoản đầu tư­ sáng tác cho các hội văn học nghệ thuật là của toàn bộ hội viên. Ban Chấp hành Hội NVHN chủ trư­ơng không đầu t­ư cho số ít cá nhân, mà tập trung vào việc tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác. Như­ng cách làm việc bài bản có khi lại không đ­ược một số hội viên thỏa mãn. Tiền đầu tư­ đ­ược xem như­ tiền chùa, miếng bánh đã chia, dứt khoát mình phải có phần, nếu lần này mình chư­a đư­ợc chia, tức là tài năng của mình không đư­ợc thừa nhận.

Các vị bắt đầu dùng đến tin nhắn điện thoại, th­ư điện tử... để phát tán lời thóa mạ, vu khống, bôi nhọ, nhằm vào Ban Chấp hành. Đáng tiếc, văn ch­ương ch­ưa khá đư­ợc bởi vì ngư­ời viết vẫn còn dùng tinh lực để mài giũa ngôn từ đâm ng­ười khác. Rồi cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, nếu có yêu cầu, như­ng cách giải quyết vấn đề d­ường nh­ư lại đòi hỏi sự hợp tác của hội viên d­ưới một mái nhà chung: thái độ có văn hóa; tình cảm bao dung giữa đồng nghiệp với nhau; sự chia sẻ cảm thông với ngư­ời làm quản lý Hội; tinh thần không nệ vật chất, không để cho sự cay cú, đố kỵ dẫn đến thô bỉ, độc ác...

Nhìn chung trong cả một hội nghề nghiệp, phần lớn hội viên là những tấm gư­ơng về nhân cách, về tinh thần lao động bền bỉ, đóng góp tích cực cho phong trào chung. Như­ng đôi khi chỉ vì vài con sâu mà hỏng cả một nồi canh lớn. Nhiều hội nghề nghiệp cũng đang đứng tr­ước thách thức kiểu này.

Friday, January 05, 2007

Sự thật những lời đồn về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền

Nhà thơ Dương Kỳ Anh sắp ra mắt cuốn sách với tựa đề “Hoa hậu Việt Nam, những điều chưa biết". Ông đã kể lại những câu chuyện được chứng kiến dưới cương vị là Trưởng ban giám khảo về Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền và chuyện “bị đánh ghen, cạo trọc đầu".

Hôm ấy, gần 200 thí sinh tự do (nghĩa là những thí sinh đăng ký trực tiếp với tòa soạn, không qua cuộc thi người đẹp do các tỉnh thành tổ chức) trình diễn ba vòng thi. Ban giám khảo chọn được 17 thí sinh, trong đó có Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân và Lan Hương có số điểm cao nhất.

Hoa hậu năm 2004 Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: Tiền Phong.

Suốt thời gian thí sinh luyện tập và tham gia các hoạt động từ thiện ở Quảng Ninh, chúng tôi đã tập trung quan sát từng cử chỉ, lời nói, cả trong bữa ăn của các người đẹp… Hai gương mặt luôn gây được ấn tượng cho ban giám khảo chính là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân. Huyền có vẻ đẹp hồn nhiên, tươi sáng, Chân Trân thì thông minh, lịch lãm…

Vòng chung kết diễn ra hai đêm ở Tuần Châu. Đêm thứ nhất, đêm khai mạc (không truyền hình trực tiếp) gần như không bán chỉ để mời và người xem vẫn ngồi kín sân khấu nhạc nước mười hai nghìn chỗ. Trên hai nghìn thí sinh đăng ký dự thi năm đó, qua các vòng sơ tuyển, sơ khảo ở các địa phương và khu vực, 39 thí sinh đã đại diện cho người đẹp cả nước lọt vào vòng chung kết. Qua đêm đầu tiên, già một nửa thí sinh đã bị loại, 19 thí sinh được chọn vào đêm thi cuối cùng.

Đứng đầu danh sách 19 thí sinh là Nguyễn Thị Huyền, rồi đến Trịnh Chân Trân. Số điểm của hai thí sinh này bỏ rất xa những thí sinh kế tiếp. Càng đi sâu vào vòng trong, Nguyễn Thị Huyền càng tỏa sáng. Một vẻ đẹp rất nữ tính, rất Việt Nam. Các số đo của Huyền cũng rất chuẩn.

Trong buổi tiếp xúc với 19 thí sinh để trả lời các câu hỏi ứng xử của ban giám khảo, Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân đều tỏ ra thông minh, hiểu biết. Tôi rất mừng. Hai năm với biết bao công việc chuẩn bị cho một cuộc thi người đẹp quốc gia đến lúc này sắp hoàn tất. Điều quan trọng nhất của cuộc thi hoa hậu, chính là có được người đẹp xứng đáng để chọn làm hoa hậu.

Dù cuộc thi có hoành tráng, quy mô đến đâu mà không có được người đẹp xứng đáng để chọn làm hoa hậu, thì không thể nói là cuộc thi đã thành công. Khi Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân hiện hữu trước mắt mọi người, với sự nhất trí khá cao của ban giám khảo, tôi đã tự bảo mình: "Thế là yên tâm. Đã tìm thấy hoa hậu rồi".

Đêm ấy, tôi ngỡ rằng sẽ được ngủ một giấc ngon sau bao nhiêu lo lắng, thấp thỏm. Kết thúc đêm khai mạc, tôi về đến nhà độ mười một giờ tối. Ngày mai, ban tổ chức sẽ cho thí sinh nghỉ buổi sáng, buổi chiều, ban giám khảo hội ý chuẩn bị cho đêm chung kết.

Vừa bước vào phòng tắm thì có người gõ cửa. Tôi mặc vội quần áo. Một thành viên trong ban tổ chức mang đến cho tôi mấy lá đơn… Tôi vội bật đèn và đọc. Sững người. Đơn tố cáo hai nhân vật sáng giá nhất của cuộc thi: Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân.

Á hậu năm 2004 Trịnh Chân Trân. Ảnh: Tiền Phong.

Nguyễn Thị Huyền bị tố cáo có quan hệ bất chính với một người đàn ông đã có gia đình, bị vợ anh ta đánh ghen ầm ĩ, bị cạo trọc đầu…Còn Trịnh Chân Trân thì, "bố đi nhầm giày Tây", bằng thạc sĩ là bằng giả…

Thực ra, theo thông lệ, trước khi vào vòng chung kết, những thí sinh có số điểm cao đều được ban tổ chức cử người đi xác minh cẩn thận. Anh em chúng tôi thường nói vui là phải có "ba dấu đỏ", nghĩa là có sự xác minh của chính quyền phường, công an phường, và cơ quan nơi thí sinh đang công tác hay học tập. Cả Huyền và Trân Chân đều được xác minh là tốt, cả gia đình và bản thân.

Những tình tiết bất ngờ từ lá thư tố cáo khiến ban tổ chức hoàn toàn không thể lường trước được. Nếu những điều đó là có thật thì sao! Người tố cáo có ghi tên mình (nhưng tôi đoán là tên giả, vì khi lần tìm, xác minh họ tên và địa chỉ thì không có). Tuy vậy, trong đơn tố cáo nói rõ cần gặp ai, nói ra những nhân chứng như cô Vũ Tuyết Oanh dạy thể dục thẩm mỹ ở Cung văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng)…

Tôi liền gọi điện cho Phó Tổng biên tập, Phó ban tổ chức Lương Ngọc Bộ, và Trưởng ban thí sinh Chu Thúy Hoa. Tôi không muốn nhiều người biết việc này… Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định sẽ khẩn trương xác minh, làm rõ để báo cáo công khai trước ban giám khảo.

Tôi gọi điện cho Vũ Tiến, thư ký tòa soạn báo (Vũ Tiến quê Hải Phòng, cả hai vợ chồng từng nhiều năm làm phóng viên báo Hải Phòng), rất am hiểu vùng đất Cảng. Tôi nói với Vũ Tiến phải về Hải Phòng ngay để kết hợp với Phạm Duẩn (Lam Khê), phóng viên báo Tiền phong thường trú ở đó sớm điều tra, xác minh lại những điều người ta tố cáo về Nguyễn Thị Huyền. Tiến phóng xe về Hải Phòng trong đêm (vợ chồng Tiến vừa mua ô tô).

Tôi điện cho Hồng Tuyến, Trưởng ban đại diện báo Tiền phong ở TP HCM trực tiếp đi xác minh trường hợp Trịnh Chân Trân… Đầu óc tôi căng thẳng đến tột độ. Tôi chợt nhớ tới Ngọc Oanh.

Á hậu Ngọc Oanh cũng quê Hải Phòng, đoạt danh hiệu Á hậu cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 2002 do báo Tiền Phong tổ chức. Tôi biết Ngọc Oanh từng nhiều năm sinh hoạt ở Cung Văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng). Tôi lần tìm số điện thoại rồi bấm gọi cho Ngọc Oanh. Tôi xin lỗi Oanh vì đêm đã muộn mà vẫn phải quấy quả đến người đẹp.

Tôi nói thật cho Ngọc Oanh biết những lo lắng của tôi về thí sinh Nguyễn Thị Huyền. Tôi bảo Ngọc Oanh: "Anh đã nói thật với em thì em cũng phải nói hoàn toàn sự thật". Ngọc Oanh cho hay, cô và Nguyễn Thị Huyền vốn là bạn thân, phải nói là rất thân từ nhiều năm nay. Cả hai đều học thể dục thẩm mỹ ở Cung Văn hóa Việt Tiệp Hải Phòng, đều do cô Vũ Tuyết Oanh dạy.

Á hậu Ngọc Oanh cũng đã biết những lời đồn đại và vụ đánh ghen, về lời đồn Huyền bị vợ của người tình đè ra cạo trọc đầu... "Có lần, em thấy Huyền trùm khăn kín đầu… Em rủ Huyền đi chơi và làm như vô tình kéo tuột cái khăn ra… Em vô cùng ngạc nhiên. Đầu Huyền trọc lóc như đầu một nhà sư…"

"Em hỏi Huyền vì sao lại cạo trọc đầu? Huyền thản nhiên bảo "Tao thích thế".

Tôi ngao ngán, rã rời! Còn hy vọng gì nữa đây! Tôi biết Oanh nói thật. Một sự thật rất khó tin. Có cái gì uẩn khúc phía sau sự thật này không?

* Còn tiếp

Dương Kỳ Anh

Nối tiếp tập I cuốn “Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam” nhà thơ Dương Kỳ Anh sắp ra mắt tập II cuốn sách với tựa đề “Hoa hậu Việt Nam, những điều chưa biết”. Đây là những bài viết của một người trực tiếp làm Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu quốc tế ASEAN 2005.

Từ những câu chuyện được tác giả chứng kiến và kể lại cực kỳ sinh động như “Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền và chuyện “bị đánh ghen, cạo trọc đầu”, “Hoa hậu Ngọc Khánh và cú ngã định mệnh”, “Phía sau chuyện Hoa hậu Mai Phương “mất tích”, “Cảm nhận về cái đẹp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, “Vì sao báo Tiền phong tổ chức thi hoa hậu”, “Tôi làm giám khảo Hoa hậu quốc tế”, “Vụ người đẹp D.X.M tự tử” . Tất cả, nhằm nêu lên những bài học không những cho các người đẹp mà còn cho lớp trẻ nói chung khi bước vào thế giới hội nhập.

(Theo Tiền Phong)

Thursday, January 04, 2007

Từ kết quả điều tra vụ Bùi Minh Trí tấn công website Bộ GD-ĐT...


Hình ảnh vụ tấn công website VnMedia do Trí thực hiện trong dịp 2.9 năm 2006

LTS: Hôm qua 3.1, Báo Thanh Niên nhận được bài viết của ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS, ĐH Bách khoa Hà Nội xung quanh vụ em học sinh Bùi Minh Trí tấn công website của Bộ GD-ĐT.

Xin giới thiệu nội dung bài viết để bạn đọc có thêm thông tin đánh giá sự việc. Những nhận định và kết luận trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả.

THANH NIÊN

Ngày 19.12.2006 thủ phạm vụ tấn công website của Bộ Giáo dục và Đào tạo www.moet.gov.vn được công bố, tuy nhiên sự việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Với tư cách là những người trực tiếp tham gia điều tra, sau khi đã trao đổi, thống nhất với Phòng Đấu tranh và Phòng chống tội phạm công nghệ cao - C15, chúng tôi thấy cần phải cung cấp một số thông tin của quá trình điều tra để bạn đọc có những cái nhìn và đánh giá chính xác hơn về sự việc này.

Bùi Minh Trí có cảnh báo cho Quản trị website (Admin) của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước và sau khi diễn ra vụ tấn công?

Hiện nay có nhiều người mặc nhiên coi việc Bùi Minh Trí cảnh báo lỗ hổng trước và sau khi tấn công là sự thật, dẫn đến việc biến Bùi Minh Trí từ một người vi phạm pháp luật, cố tình tấn công website của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trở thành một người cảnh báo lỗ hổng có thiện chí. Thực ra thông tin này do chính Trí, là thủ phạm gây ra vụ việc kể lại qua một số bài báo.

Thực tế, quá trình điều tra cho thấy Trí không hề cảnh báo cho Admin website của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi vụ tấn công xảy ra, kể cả trong suốt thời điểm từ tháng 7 tới ngày 27.11.2006. Bùi Minh Trí đã chính thức thừa nhận với cơ quan điều tra về điều này. Trí cũng thừa nhận không hề gửi bất kỳ e-mail, chat, hay gọi điện thoại liên lạc với Admin của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 27.11. Chỉ sau khi quá trình điều tra chỉ ra rằng Trí chính là thủ phạm, Admin của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới liên lạc với Trí, thông báo cho Trí điều đó, lúc này Trí mới bắt đầu có những trao đổi với Admin của Bộ.

Hình ảnh vụ tấn công website home.vnn.vn do Trí thực hiện cuối tháng 6.2006

Khi xâm nhập thành công vào máy chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trí cũng đã cài đặt lại các Backdoor - một dạng phần mềm gián điệp. Mục đích của việc này là giúp Trí có thể xâm nhập trở lại máy chủ kể cả khi Admin của website có phát hiện và sửa được lỗi của website, đây là hành động cố ý.

Việc sau mỗi lần tấn công website của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 7 và tháng 11, Trí đều để lại nickname, đây chỉ là một trong những kiểu "ghi điểm" như bất kỳ hacker "mũ đen" nào trên thế giới. Kẻ sẽ dùng hình đầu lâu, kẻ dùng hình con dơi, còn Trí thường sử dụng hình ảnh Quan Vân Trường trong chuyện Tam quốc diễn nghĩa. Trên thế giới, sau khi tấn công website, ngoài việc để lại dấu hiệu, các nhóm hacker còn thường gửi "bằng chứng" đó cho 1 tổ chức chuyên "chứng nhận" việc này để ghi thêm điểm "thành tích", điểm càng cao thì nhóm hacker càng "nổi tiếng".

Dưới đây là trích dẫn từ nhật ký "khoe" chiến tích do chính Bùi Minh Trí viết trên một diễn đàn của hacker sau khi Trí tấn công website home.vnn.vn của Công ty VDC, một trong nhiều website mà Trí đã tấn công trong thời gian qua. Rõ ràng việc để lại nick ở đây là để ghi dấu ấn:

“...lúc đó GY (GuanYu - nickname của Bùi Minh Trí) hoàn toàn có thể tác động đến DB (Cơ sở dữ liệu) trên 2 server 203.162.0.13 & 203.162.0.14 (bằng cách tương tự như cách đã dùng để run backdoor - chạy backdoor, một dạng phần mềm gián điệp), nhưng GY đã ko (không) làm gì hết: D... Trong 10' lần mò, vẫn ko có cách gì chuyển con backdoor ra các folder khác đành up (đưa lên) cái guanyu.html để "ghi dấu" rùi đi ngủ... Thời gian rút quá nên ko làm được gì nhìu...”.

Còn đây là những câu Trí dùng để nói về việc "cảnh báo" của mình khi tấn công website Bộ Giáo dục và Đào tạo, được chính Trí viết trên diễn đàn Edu.net.vn dưới cái tên GuanYu (chúng tôi đã xác minh đây đúng là nick do Trí đăng ký vào ngày 10.12.2006): "...anh chẳng hiểu gì về tôi hoặc về quá trình moet bị "thịt". Vậy xin anh đừng phát biểu lung tung như vậy...". Rõ ràng chỉ cần đọc những câu này (moet bị "thịt") cũng đủ thấy chủ đích của Trí không phải là để cảnh báo.

Bùi Minh Trí không chỉ tấn công website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trí đã thừa nhận tấn công nhiều website khác tại Việt Nam trong thời gian qua, việc này đã được chúng tôi theo dõi từ nhiều tháng nay và đó là lý do tại sao Trí nhanh chóng bị phát hiện sau khi tấn công website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một người hack được website có thực sự có tài?

Nhiều người cho rằng việc Bùi Minh Trí có thể hack được website của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng tỏ Trí là người có tài. Với tư cách là một đơn vị hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng, chúng tôi thấy rằng:

Thực tế việc tấn công các website có thể học được, thậm chí là dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ cần vào internet, bằng vài từ khóa có thể dễ dàng tìm ra hàng loạt các công cụ (Tools), các bài hướng dẫn để tấn công phá hoại các website.

Điều này cũng giống như với một người bình thường thì việc đột nhập vào một ngôi nhà đang khóa thì rất khó, nhưng với một cây kìm cộng lực trong tay, bọn trộm có thể làm điều đó dễ dàng, khiến chúng ta ngỡ ngàng nếu không biết chúng có những dụng cụ mạnh như vậy. Nếu ai đã chứng kiến việc dùng kìm cộng lực để cắt một thanh sắt cứng dễ dàng như thế nào thì sẽ không khó để hình dung ra điều này.

Ngày 3.1, ông Nguyễn Thới Bình, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông Vĩnh Long, cho biết Sở đã thống nhất mức phạt Bùi Minh Trí là 10 triệu đồng về hành vi tấn công website của Bộ GD-ĐT.

Ngọc Nhung

Trong cuộc sống, việc "phá" một cái gì đó bao giờ cũng dễ gấp trăm nghìn lần việc làm ra chính cái đó. Một cây cầu có thể mất tới 3 năm trời với hàng nghìn công nhân, hàng trăm kỹ sư để xây lên, nhưng để phá nó thì chỉ cần một quả mìn, kẻ phá hoại có thể phá hủy nó chỉ trong một tích tắc, lúc đó kẻ gây ra việc này sẽ bị chúng ta khinh bỉ chứ chắc chắn không ai cho rằng kẻ đó là có tài.

Tương tự như vậy, một kẻ thành thạo trong việc tấn công website không có nghĩa là đủ khả năng để xây dựng những website như vậy. Nếu am hiểu về thế giới ngầm hacker, bạn sẽ thấy rõ điều này. Có nhiều hacker phá rất "giỏi" nhưng thậm chí không thể viết được một phần mềm đúng nghĩa.

Bùi Minh Trí không chỉ tấn công website

Ngày 29.12.2006, đơn vị Đấu tranh và Phòng chống tội phạm công nghệ cao C15 đã cử chuyên gia từ Hà Nội vào Vĩnh Long để điều tra bổ sung. Dữ liệu thu được cho thấy, Bùi Minh Trí không chỉ tấn công các website như chúng ta biết mà còn có dấu hiệu sử dụng nhiều thẻ tín dụng mang tên người nước ngoài để mua bán trên mạng với số tiền lên tới hàng nghìn USD.

Thậm chí khi bị quản trị (Admin) của một website thương mại điện tử tại Mỹ nghi ngờ hành vi chiếm dụng thẻ tín dụng để thanh toán, Trí đã đáp lại (đúng ra là phải dùng từ chửi) bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa.

Những dẫn chứng nêu trên đã chứng minh Bùi Minh Trí không như nhiều người nghĩ. Thế nhưng do thiếu thông tin nên đã đứng ra bênh vực Trí, coi Trí là nhân tài, thậm chí còn tuyên bố nộp tiền phạt hay góp tiền cho Trí du học.

Chúng ta sẽ phải trả giá thế nào nếu chỉ nhìn nhận sự việc theo cảm tính?

Tháng 4.2006, Bùi Hải Nam (HaiNam Luke) phát tán virus Gái Xinh lên mạng, sau đó bị cơ quan điều tra phát hiện. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tha thứ cho cậu ta vì đó chỉ là hành động dại dột. Cuối cùng cơ quan chức năng kết luận Bùi Hải Nam là người vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vì những lời lẽ bênh vực nêu trên mà cậu ta tuy đã bị phạt nhưng không hề ý thức được hình phạt dành cho mình, thậm chí còn tự huyễn hoặc mình trở thành một người hùng, nổi tiếng. Chính vì thế, cậu ta tiếp tục vi phạm pháp luật, đưa mã nguồn của virus lên mạng và hậu quả thì chúng ta đã thấy rõ. Đó là hàng loạt virus lây lan qua Yahoo!Messenger đã hoành hành vào dịp cuối năm, công khai thách thức dư luận và pháp luật. Không ai khác mà chính chúng ta, trong đó có cả những người đã từng nêu ý kiến bênh vực Bùi Hải Nam là những người đã lãnh hậu quả.

Chúng ta có lẽ đang bắt đầu gánh chịu hậu quả khi mà chỉ cách đây 3 ngày, vào ngày 31.12.2006, website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF đã bị tấn công, nội dung trang chủ đã bị thay thế hoàn toàn bằng hình ảnh của một con dơi giữa một màn hình đen ngòm với những lời lẽ thách thức pháp luật. Và cũng chỉ cách đây vài giờ, rạng sáng hôm nay 3.1.2007, website nhạc số có quy mô thuộc loại lớn tại Việt Nam cũng bị hacker tấn công thành công.

Với tư cách là những người gắn bó với công việc bảo vệ an ninh mạng tại Việt Nam, chứng kiến những sự kiện vừa qua, chúng tôi thấy rằng cần phải lên tiếng. Chúng tôi tha thiết đề nghị cộng đồng có những nhìn nhận và đánh giá sáng suốt để đảm bảo rằng luật pháp được thực thi nghiêm minh. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có được một môi trường mạng an toàn.

Nguyễn Tử Quảng
(Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS)