Sunday, September 30, 2007

Các điệp viên ít được biết đến - BBC Vietnamese - 2

Orrin DeForest, một nhân viên CIA phục vụ sáu năm ở Việt Nam, nhắc đến con người này với mật danh “Reaper” trong cuốn sách “Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Vietnam.” Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông ta là “điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam.” Còn trong cuốn tiểu sử về sếp CIA ở Sài Gòn Ted Shackley, tác giả David Corn dẫn ra một sự đánh giá thời hậu chiến của CIA rằng điệp viên này là “nguồn tin đáng tin cậy nhất về ý định của cộng sản” ở Việt Nam.

Frank Snepp, một nhà phân tích tình báo có đôi lần gặp con người này, gọi ông ta là “điệp viên hàng đầu của chúng ta” ở Việt Nam. Văn phòng của CIA ở Sài Gòn thì đơn giản gọi ông này là “nguồn tin Tây Ninh.” Sau 1975, những người cộng sản mô tả nhân vật này là “điệp viên nguy hiểm trung thành với CIA” và nói CIA xem ông ta là “điệp viên có giá nhất tại Đông Dương” của CIA.

Con người này là ai?

Tên của người này là Võ Văn Ba. Theo các ghi chép của phía cộng sản, nhân vật này, sinh năm 1923, là một đảng viên cộng sản phụ trách tuyển mộ đảng viên mới ở khu vực Tòa thánh Cao Đài và thành phố Tây Ninh.

Có những ghi nhận khác nhau về cách làm thế nào và nhờ ai mà điệp viên này được tuyển mộ cho CIA. Orrin DeForest nói chú của ông Ba, ban đầu theo Việt Minh nhưng sau trở thành sĩ quan phục vụ trong ngành An Ninh Quân Đội của miền Nam, đã thu dụng người cháu. David Corn và John Sullivan viết rằng chú của Ba, người mà họ chỉ nói là một sĩ quan miền Nam, đã tuyển Ba làm chỉ điểm cho cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.

Trước khi CIA vào cuộc, có vẻ Ba làm việc một thời gian cho quân đội Mỹ. Theo John Sullivan, một người trong CIA nói Ba từng làm cho tình báo quân đội Mỹ.

Không lâu sau khi đến tỉnh Tây Ninh năm 1969, sĩ quan CIA đầu tiên phụ trách Ba đã nhanh chóng chuyển điệp vụ mà lâu nay tiến hành khá nghiệp dư trở thành một hoạt động tình báo chuyên nghiệp, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của CIA.

Hoạt động

Từ nay ông Ba được yêu cầu báo cáo về những mục tiêu chiến lược, các kế hoạch hành động mang tính chất toàn quốc, chứ không còn là những mục tiêu chiến thuật cấp thấp. Ông Ba ở trong vị trí lợi thế để lấy được những thông tin chiến lược vì trong suốt giai đoạn này, trụ sở chính của Trung Ương Cục Miền Nam đặt rất gần chỗ ông, có lúc bên trong tỉnh Tây Ninh, có lúc ở tỉnh Bình Long kế cận. Các báo cáo của người này được chuyển qua các kênh thông tin của CIA, và chỉ một số ít người biết về sự tồn tại của Ba.

Để bảo đảm bí mật, chỉ một sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt miền Nam và một nhân viên người Việt ở văn phòng CIA ở Tây Ninh được phép gặp mặt Ba ở Tây Ninh. Chỉ thỉnh thoảng Ba mới gặp nhân viên CIA người Mỹ và cũng chỉ gặp ở địa điểm mật tại Sài Gòn.

Thông tin mà ông Ba cung cấp thường xuyên được sử dụng trong các đánh giá của tình báo Mỹ về kế hoạch của phe cộng sản. Ngoài ra, mặc dù Ba chuyên môn theo dõi các khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, nhưng thỉnh thoảng ông cũng báo trước các cuộc tấn công ở khu vực Tây Ninh.

Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sự trung thành của ông Ba đối với CIA. Mấy lần kiểm tra ông bằng máy thử nói dối đều có kết quả không làm CIA hài lòng. Năm 1971, hai năm sau khi CIA tuyển mộ Ba, họ phát hiện rằng Ba vẫn ngầm liên lạc và báo cáo cho tình báo quân đội Việt Nam Cộng Hòa. CIA ngay lập tức liên lạc và yêu cầu quân đội Miền Nam ngừng mọi giao thiệp với Ba. Một số sĩ quan CIA cũng đặt câu hỏi làm sao Ba lại không bị Việt Cộng phát hiện mặc dù các điệp viên cộng sản đã xâm nhập vào toàn bộ các tổ chức tình báo của miền Nam, những nơi biết về sự tồn tại của con người này. Nhưng rốt cuộc, sự chính xác trong các báo cáo của Ba làm tan biến mọi hồ nghi, và giới tình báo miền Nam và Mỹ xem Ba là tài sản quý giá của họ.

Những người cộng sản cũng ngày một nhận ra là họ có kẻ phản bội trong hàng ngũ. Những thiệt hại ở khu vực Tây Ninh năm 1969, những dấu hiệu là đối phương biết trước ý định tấn công, khiến những người cộng sản nghi ngờ trong nội bộ của họ có điệp viên. Một nữ cán bộ được cử điều tra tại Tây Ninh, nơi Ba có nhiệm vụ tuyển mộ và tổ chức chi bộ đảng. Nhưng nhà nữ điều tra này lại bị an ninh miền Nam bắt được khi bà đi vào địa giới do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, và bà bị giam cho đến hết cuộc chiến. Không có tư liệu cho biết liệu có phải ông Ba đã báo cho an ninh miền Nam bắt người này hay không.

Cuộc truy tìm nội gián trở nên gấp rút tới mức, theo một loạt các bài báo đăng trên báo chí Việt Nam năm 2004, một trong những điệp viên cao cấp của cộng sản trong chính quyền miền Nam, Nguyễn Văn Tá (tức Ba Quốc), được giao nhiệm vụ săn lùng nội gián vào năm 1972.

Ông Ba Quốc đoán rằng hồ sơ mà ông muốn có thể nằm trong một tủ khóa ở Nha điệp báo (ban K) thuộc Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Ông vào được nơi này và định mở khóa, nhưng lại có người vào bất thình lình, khiến ông đành bỏ dở. Hai năm sau, các hoạt động của chính ông Ba Quốc bị phát hiện và ông phải trốn vào căn cứ cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đoạn kết

Hồ sơ mật về ông Võ Văn Ba được an toàn cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ hôm 29-4-1975. Khi quân đội cộng sản chiếm văn phòng Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ở Sài Gòn, Viễn Chi, Cục Trưởng Cục Tình Báo của Bộ Công an Bắc Việt, được nói là đã tìm thấy hồ sơ về Ba trong ngăn khóa của Nguyễn Khắc Bình, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.

Cho đến khi cuộc chiến gần kết thúc, ông Ba tiếp tục có những báo cáo giá trị cho CIA. Thế nhưng đến tháng một năm 1975, khi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Bắc Việt ra Nghị Quyết tổng tấn công để “dứt điểm” Miền Nam Việt Nam, Võ Văn Ba đã không báo động trước cho CIA về Nghị Quyết nầy. Đây không phải lỗi của Ba mà là do Cộng sản nghi là có người phản bội trong hàng ngũ của họ, thành ra giới lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam đã quyết định không phổ biến Nghị Quyết mới cho cấp dưới.

Vào giữa tháng Tư 1975, ông Ba cho CIA một loạt báo cáo cuối cùng mô tả chung chung kế hoạch tấn công Sài Gòn của Bắc Việt. Những báo cáo này được xem trọng đến mức chúng được đưa vào bản phúc trình năm 1976 của đại sứ Mỹ Martin trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về việc sơ tán khỏi Sài Gòn. Nhưng vào lúc Ba chuyển những báo cáo này thì số phận của miền Nam đã được định đoạt. Thực tế, số phận của chính ông Ba cũng được định đoạt, mặc dù lúc này ông chưa biết.

Khi Sài Gòn sắp sụp đổ, CIA đề nghị đưa Ba và gia đình sang Mỹ. Nhưng ông này lại từ chối, nói là muốn ở Việt Nam thay vì khởi nghiệp từ đầu ở xứ người trong lúc tuổi đã cao. CIA hứa họ sẽ làm mọi cách để ngăn không cho hồ sơ về ông Ba rơi vào tay đối phương. Tuy vậy, lúc đó quân đội cộng sản đã bắt được và tra hỏi một người mà có lẽ biết hoạt động của ông Ba rõ hơn ai hết.

Theo các ghi chép hậu chiến của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phong (hay Nguyễn Sĩ Phong) là một người di cư miền Bắc 33 tuổi làm việc cho văn phòng CIA ở Tây Ninh. Ông Phong là người liên lạc của Ba ở CIA kể từ 1969, ngay sau khi CIA tuyển mộ Ba. Sau nhiều năm làm việc trực tiếp với Ba, sau này ông Phong rời khỏi Tây Ninh và làm ở văn phòng CIA ở Ban Mê Thuột.

Ngày 10-3-1975, lực lượng cộng sản nhanh chóng chiếm được Ban Mê Thuột. Ông Phong và gia đình chạy đến nhà của Paul Struharik, đại diện của USAID và là nhân viên người Mỹ duy nhất còn ở lại trong tỉnh. Nhưng ngôi nhà lập tức bị bao vây và mọi người trong đó bị bắt.

Ông Phong thú nhận ông đã làm việc cho CIA và khai ra tên của Võ Văn Ba. Ngày 29-4-1975, quân cộng sản chiếm thành phố Tây Ninh và bắt được Phan Tất Ngưu, sĩ quan miền Nam phụ trách trường hợp ông Ba. Bản thân ông Ba bị bắt ngày 30-4.

Phía Việt Nam nói ông Ba tự sát ngày 8-6-1975 trong lúc đang bị giam trong trại của Bộ Công an. Sự thật về cái chết của Võ Văn Ba – có phải đó là tự sát hay là một điều gì khác – có lẽ sẽ không bao giờ được biết.

Đoạn kết khác

Còn có thêm một đoạn kết khác cho câu chuyện về điệp viên Tây Ninh. Vào năm 1980, trong cao trào thuyền nhân, Paul Struharik, đại diện của USAID ở Buôn Mê Thuột và là người có nhà bị bao vây hồi tháng Ba 1975, nhận được lá thư gửi về địa chỉ nhà ông ở Mỹ. Lá thư được gửi từ Malaysia, và người viết là Nguyễn Văn Phong.

Phong nói ông đã trốn được khỏi trại giam Bắc Việt bằng cách nhảy khỏi xe trong lúc chuyển tù. Ông nói sau khi trốn thoát, ông tìm thấy vợ con và cả nhà sắp ra đi trên con thuyền với những người tị nạn vừa đến được bờ biển Malaysia. Theo Phong viết thì vì thuyền của ông vẫn còn đi biển được, phía Malaysia muốn đẩy họ đi tiếp, nhưng Phong nói ông thuyết phục được người ta gửi lá thư này về Mỹ. Phong nhờ Struharik giúp đỡ.

Câu chuyện của ông Phong nghe khó tin vì̀ làm sao một người tù quan trọng như ông có thể trốn thoát, lại mang theo được cả vợ con. Tuy vậy người Mỹ biết rằng trong đời này cũng thỉnh thoảng gặp trường hợp phép lạ, thành ra họ vẫn gửi tin nhắn yêu cầu nhân viên chức trách để ý khi thuyền của ông Phong đến được trại tị nạn.

Khoảng hơn một tuần sau, một người Việt Nam lênh đênh trên biển Đông được một chiếc tàu đi ngang cứu được. Người này nói ông ta có mặt trên con thuyền của ông Phong. Ông nói con thuyền đó đã chìm trên đường tới Indonesia, và mọi người trên thuyền, kể cả ông Phong và gia đình, đã chết.

Các điệp viên ít được biết đến - BBC Vietnamese - 1

Nhiều chuyên viên đang và từng làm trong ngành tình báo của Mỹ và Nga đến nói chuyện về kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến.

Có bảy buổi thuyết trình với bảy chủ đề lớn như: CIA ở Việt Nam, Chương trình Phượng Hoàng, Công nghệ và Tình báo, Cuộc chiến bí mật ở Lào, Hoạt động tình báo Nga và Việt Nam…

Một trong các diễn giả, Merle Pribbenow, đem đến hội thảo bài thuyết trình: “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.”

Merle Pribbenow, cựu nhân viên CIA và chuyên gia tiếng Việt, từng phục vụ ở Sài Gòn từ 1970 đến 1975. Sau khi rời khỏi CIA năm 1995, ông dành thời gian để dịch các sách lịch sử của Việt Nam và viết về cuộc chiến. Bộ lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam được ông dịch sang tiếng Anh, và được NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2002.

Trong bài thuyết trình ở hội thảo, Pribbenow mô tả ba nhân vật hoạt động cho ba cơ quan tình báo khác nhau: CIA, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam, và Tình báo Quân đội Liên Xô.

Được sự cho phép của tác giả, BBC xin giới thiệu hai phần trong bài thuyết trình, nói về Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) và Võ Văn Ba (người được gọi là điệp viên số một của CIA ở Việt Nam).

Điệp viên trong hàng ngũ thân cận Tổng thống Thiệu

Trong cuốn sách về sự sụp đổ của Sài Gòn, Decent Interval, cựu phân tích gia của CIA Frank Snepp, khi nói về cuộc tổng tấn công miền Nam năm 1975, đã dành sự công nhận đáng kể cho một người vô danh mà ông gọi là “điệp viên trong hàng ngũ thân cận của Tổng thống Thiệu.”

Theo Snepp, người điệp viên cộng sản này đã gửi cho Bộ Chính trị Bắc Việt nội dung cuộc họp tháng 12-1974 giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh để đưa ra chiến lược của miền Nam trước viễn cảnh quân đội Bắc Việt tấn công vào năm sau, 1975.

Sự mô tả của Snepp dựa vào một đoạn trong hồi ký Đại thắng Mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Dũng nói nội dung cuộc họp này đã được tình báo Bắc Việt lấy được.

Merle Pribbenow nhận xét cho đến ngày hôm nay, ngoài đoạn văn của tướng Văn Tiến Dũng, Hà Nội chỉ đưa ra thêm một tiết lộ khác liên quan bản phúc trình tình báo này. Tiết lộ đó nằm trong hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: Hồi ức”, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ấn hành năm 2000.

Trong hồi ký, tướng Giáp nói vào sáng ngày 12-12-1974, tình báo quân đội cho ông biết về những mệnh lệnh của Tổng thống Thiệu tại cuộc họp.

Cả hai nguồn chính thức của Hà Nội đều không cho biết ai là người cung cấp thông tin. Vậy nhà tình báo ấy là ai?

Kể từ khi kết thúc chiến tranh, Đảng Cộng sản đã công bố thông tin về nhiều điệp viên hoạt động bên trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong số các điệp viên nổi tiếng này, liệu có ai là người chuyển cho miền Bắc nội dung cuộc họp kể trên?

Nhà tình báo

Mạng lưới Vũ Ngọc Nhạ - Huỳnh Văn Trọng bị phá vỡ năm 1969. Một điệp viên cao cấp khác nằm trong ngành tình báo miền Nam, Đặng Trần Đức, thì đã trốn vào vùng căn cứ cách mạng sáu tháng trước ngày có cuộc họp tháng 12-1974. Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, và Đinh Văn Đệ, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội VNCH, cũng là các ứng viên. Tuy nhiên, cả hai không có khả năng tiếp cận nội dung cuộc họp này, trừ phi một nhân viên VNCH đã tuồn ra cho họ.

Theo giả thuyết của tác giả Merle Pribbenow, người điệp viên có nhiều khả năng nhất trong trường hợp này không phải là một sĩ quan miền Nam cao cấp, cũng không làm việc tại Phủ Tổng thống, cũng không nằm trong nhóm tùy tùng thân cận của ông Thiệu.

Tên người này là Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh). Sinh năm 1933 ở Sài Gòn trong một gia đình gốc Bắc, ông Minh làm hạ sĩ quan phụ trách tài liệu mật trong văn phòng của đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng.

Mặc dù nhân viên cấp thấp này không thể được dự cuộc họp trong Phủ Tổng thống năm 1974, nhưng biên bản và mệnh lệnh được đưa ra trong cuộc họp có thể đi qua tay người thư ký này. Bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân năm 2005 không nhắc đến cuộc họp tháng 12-1974, nhưng cho biết ông Ba Minh thường xuyên chuyển đi các loại thông tin tương tự, như kế hoạch của các quân khu miền Nam, nội dung trao đổi giữa tướng Cao Văn Viên với các viên chức Mỹ.

Bốn năm sau khi gia nhập quân đội VNCH, năm 1963 ông Minh được đưa vào làm tại văn phòng của tướng Nguyễn Hữu Có, và vài năm sau, ông chuyển lên văn phòng của Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên.

Năm 1973, sau Hiệp định Hòa bình Paris, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam tìm kiếm các nguồn tình báo mới. Có vẻ như liên lạc giữa họ và Ba Minh đã mất nhiều năm, và chỉ đến bây giờ, liên hệ mới được nối lại. Theo tài liệu của Việt Nam, sau khi được liên hệ, ông Minh nhanh chóng trở thành người báo tin thường xuyên và có giá trị.

Ông thức đêm để chép tay các bức điện, kế hoạch (vì lý do an ninh, ông không chịu sử dụng máy ảnh để chụp tài liệu). Từ đầu năm 1974 đến khi kết thúc cuộc chiến, Ba Minh đã chuyển cho phía cộng sản một khối lượng lớn các báo cáo quân sự.

Ngày 30-4-1975, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào trụ sở Tổng tham mưu trưởng, ông Ba Minh đã chờ họ tại đó. Ông trao chìa khóa phòng tướng Viên và trao lại các hồ sơ mật.

Sau này, ông Nguyễn Văn Minh được phong làm đại tá anh hùng tình báo, như một sự tưởng thưởng cho công trạng của ông vào những năm cuối của cuộc chiến.

Wednesday, September 26, 2007

Thơ dân dã !

Phong tư tài mạo tót vời
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Tay phải thì xách siêu đao
Tay trái một nắm su hào, sup lơ
Đầu thì tóc mọc lơ thơ
Vai đeo một khẩu A Rờ mười lăm (AR-15)
Mạng sườn giấu một dao găm
Bi đông, lựu đạn cùng nằm một dây
Chân trái xỏ chiếc dép đay
Chân phải đóng một chiếc giày ba-ta
Tự hào ngực áo phanh ra
Giữa ngực vẽ một con gà khỏa thân ...
Cái chỗ nằm giữa… 2 chân
Xăm 1 con cú ngố đần, trụi lông !

Saturday, September 08, 2007

Một ý kiến về cuộc chiến Việt Nam

(Nguồn :http://blog.360.yahoo.com/blog-PhhR6dw6cqN0Z_GhUaE6ny78?p=912)

Vince Phạm từ Hà Nội viết như sau: Tôi đọc BBC Vietnamese hàng ngày, và thường xuyên đọc cả những ý kiến độc giả. Thi thoảng, nếu có thời gian và cảm xúc, tôi cũng đóng góp ý kiến của mình.

Về quan điểm chính trị và lịch sử tôi nghĩ mình là một người cởi mở vì tiếp cận hàng ngày với những nguồn thông tin đa chiều về các vấn đề quốc tế và trong nước.

Với cuộc chiến tranh 1954-1975, do tôi sinh năm 1973 tại miền Bắc, nên có thể coi như không được chứng kiến gì. Gia đình bố hai bên bố mẹ tôi đều không mất mát gì về mặt nhân mạng trong cuộc chiến dù có những người đi bộ đội và vào chiến trường. Tôi viết bài này để thử đưa ra một số lý giải tại sao Việt nam Cộng hoà phải sụp đổ? Về chủ đề này, hàng trăm cuốn sách đã được viết. Hàng ngàn sự lý giải hay biện minh cho chiến thắng và thất bại đã được đưa ra.

Theo tôi, trong mọi cuộc chiến, luôn có ba yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến diễn biến và kết cục của nó. Đó là vũ khí (mọi chủng loại), con người (kỹ năng và tinh thần chiến đấu) và sự chỉ huy (vạch ra chiến lược, chiến thuật). Trong một vài dòng, tôi chắc chắn sẽ không nói được nhiều và vì vậy cũng không đảm bảo có được lập luận đầy đủ.

Tôi cũng sẽ không nói về hai yếu tố đầu (vũ khí và con người) mà chỉ muốn đưa ra một số nhận định về yếu tố thứ ba, sự chỉ huy hay sự lãnh đạo. Hy vọng nhận được sự phản hồi của những người quan tâm.

1. Lãnh tụ cộng sản đặt ra mục tiêu chiến đấu thuyết phục hơn: Những người Cộng sản Việt nam đã làm cho đa số nhân dân cả hai miền Nam Bắc hiểu, chia sẻ và ủng hộ mục tiêu chiến đấu của mình và quan trọng hơn là đã tạo được động lực để những người ủng hộ đường lối lãnh đạo của họ sẵn sàng xả thân. Nếu xét khẩu hiệu của lãnh đạo VNDCCH: "Đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc" và khẩu hiệu của lãnh đạo CNCH: "Chống Cộng sản, bảo vệ miền Nam khỏi sự xâm lăng của miền Bắc" thì người bình thường, bất luận quan điểm chính trị thế nào, cũng có thể thấy rằng lãnh đạo VNCH đã trao lá cờ chính nghĩa cho những người cộng sản.

Mục tiêu chiến đấu của VNDCCH và mặt trận GPMNVN cũng nhận được nhiều thiện cảm và ủng hộ của dân chúng trên khắp thế giới thậm chí ở cả nước Mỹ. Thử so sánh các vế thứ sau của hai khẩu hiệu với nhau. "Thống nhất Tổ quốc" so với "bảo vệ miền Nam khỏi sự xâm lăng của miền Bắc". Cùng là nòi giống người Việt, có chung lịch sử, ngôn ngữ, văn hiến lẽ nào lại có thể tồn tại hai tổ quốc miền Bắc và tổ quốc miền Nam? Trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của người Việt, ai cũng thấy rằng các lực lượng ly khai, cát cứ luôn đóng bị coi như những lực lượng ngáng trở, phi nghĩa còn lực lượng nhất thống tổ quốc luôn được những lực lượng tiến bộ, chính nghĩa. Những người nhất thống thiên hạ như Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung là anh hùng dân tộc, còn 12 sứ quân, chúa Trịnh chúa Nguyễn là những thế lực phong kiến hủ bại.

Còn nếu so sánh hai vế đầu với nhau kết quả còn rõ ràng hơn nữa. "Chống cộng sản" so với "đánh đuổi ngoại xâm". Cộng sản chỉ là một chủ thuyết, một khái niệm mới mẻ của thế kỷ XX trong khi giặc ngoại xâm lại là một kẻ địch rất thực và là một quốc nạn mà người dân Việt đã quen phải đối mặt. Người Mỹ từ bên kia địa cầu mang bom đạn tới bắn giết người Việt nam. Dù sứ mạng của họ có được tô vẽ như thế nào chăng nữa thì cũng sẽ làm cho đại đa số người dân Việt căm phẫn. Còn những người cộng sản Việt nam thì luôn là người Việt nam. Chống Cộng sản là chống lại những người cùng nòi giống.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC có nói rằng hầu như mỗi gia đình miền Nam cũng đều có thân nhân nằm ở hai phía của cuộc chiến. Vậy thì liệu khẩu hiệu "chống Cộng sản" liệu có làm cho người dân sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì nó? Tôi chợt nghĩ chuyện gì xảy ra nếu lãnh đạo VNDCCH thay vì nói rằng "đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược" lại nói rằng "chúng ta chiến đấu để chống lại sự bành trướng của giai cấp tư sản"?

2. Vì lãnh tụ cộng sản có tiền sử là những người yêu nước: Lãnh tụ cộng sản những người từng ngồi tù dưới chế độ thuộc địa vì những đấu tranh cho độc lập của tổ quốc. Họ từng bôn ba hoạt động tại hải ngoại, từng giành chính quyền từ tay phát xít nhật và thành lập một nhà nước độc lập đầu tiên tại Đông Nam Á, từng sống trong rừng núi để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân. Họ tiếp tục sống trong bưng biền lam chướng để lãnh đạo cách mạng. Họ hy sinh bản thân nhiều và khi nắm quyền thì sống một cuộc sống thanh đạm.

Còn lãnh tụ VNCH, họ không có tiền sử yêu nước chống ngoại xâm. Nhiều người trong số họ thậm chí còn từng là sĩ quan do Pháp đào tạo hay tệ hơn từng cầm súng trong quân đội thực dân. Họ sống vương giả với tiền lương lấy từ viện trợ Mỹ. Nhiều người trong số họ tham nhũng, buôn lậu, mua bán quyền lực và thực chất là chính khách sa lông. Theo các bạn thì người dân Việt nam vào những thập kỷ 60 và 70 với đại bộ phận là những người nông dân chân chất và ít học, sẽ có xu hướng tin và đi theo tập đoàn lãnh đạo nào hơn?

3. Lãnh tụ cộng sản đoàn kết, lãnh tụ VNCH chia rẽ: Cộng sản Việt nam là những người kỷ luật ghê gớm, thậm chí đến mức hà khắc. Họ cũng rất phục tùng tổ chức. Ngoài việc cùng chung lý tưởng, những người lãnh tụ cộng sản Việt nam trong cuộc chiến là một tập thể đã cùng nhau vào sinh, ra tử và tôi luyện trong đấu tranh. Sự đồng lòng của họ tạo nên một sức mạnh lãnh đạo tập thể, đoàn kết và thống nhất. Còn các lãnh tụ VNCH thì phe cánh và có bị chi phối bởi quyền lợi cá nhân hoặc phe nhóm. Họ đảo chính nhau luôn luôn và nhiều khi sẵn sàng vì tư lợi mà có những hành động ảnh hưởng đến đại cục của họ.

4. Lãnh đạo cộng sản có chiến lược và chiến thuật tốt hơn: Những người cộng sản thực sự có trong tay những vị tướng tài ba ở đẳng cấp thế giới. Họ thể hiện sự vượt trội về chiến lược và chiến thuật trên nhiều khía cạnh của cuộc chiến như công tác tình báo, công tác dân vận, chiến tranh du kích, phối hợp đấu tranh vũ trang và chính trị, phối hợp đấu tranh công khai và đấu tranh bí mật, phối hợp giữa chiến trường và bàn đàm phán, tiến quân thần tốc, nghi binh,... Quân đội VNCH có thể thắng ở một trận đơn lẻ chứ không thể thắng trong cả cuộc chiến.

Kính thưa các loại chống Cộng, chống Hồ!

Kính thưa các loại chống Cộng, chống Hồ!

(Nguồn : http://blog.360.yahoo.com/blog-PhhR6dw6cqN0Z_GhUaE6ny78?p=912)

Hơn 25 năm sống trên cõi đời này tôi đã từng có vinh dự tiếp kiến với một số kha khá các loại chống Cộng nhà chư vị, từ chống cộng bản năng đến chống cộng lôi kéo, từ chống cộng thô sơ đến chống cộng tân tiến, từ chống cộng đơn cấp đến chống cộng đa cấp. Hôm nay, nhân tiện rảnh rỗi, đi dạo lòng vòng bắt gặp các vị, tôi thấy ngạc nhiên hết sức. Không biết các vị có học phép “trường sinh bất lão” hay các vị là lão ngoan đồng thực thụ không mà sao thời thế đổi thay, xã hội phát triển, con người tiến bộ rồi mà các vị vẫn y như xưa, từ vóc dáng đến giọng điệu, bái phục, xin bái phục!!! Tôi không thường nam chinh bắc phạt cũng chả giỏi ném đá ném gạch như chư vị trên cõi thế giới ảo này nên hôm nay chỉ vui tay ghi lại vài khuôn vàng thước ngọc vừa khai quật được trong nhà chư vị cho anh em gần xa thưởng lãm.

  1. Tàn tích 1: các cụ ngày xưa cũng Đông du, tây du đi tìm đường cứu nước thì sao bây giờ chư vị không được “noi gương”? (Mở ngoặc): chư vị rất thích mang cụ Phan Bội Châu ra để vinh danh bản thân. (Đóng ngoặc)

Kính thưa quý vị, nếu xuyên tạc là nghề của quý vị thì hãy cứ nhè ĐCS mà trổ hết tài nghệ đi chứ xuyên tạc đến lịch sử, đến cụ Phan làm gì cho cụ không yên với đám con cháu có đầu mà thiếu cái chất màu xám này. Các vị nhắc đến Đông du à? Cho hỏi tí, thế Đông du có thành công không? Tại sao nó thất bại? Quý vị đi mà hỏi đứa trẻ học lớp 3 lớp 4 đi, nó sẽ trả lời vanh vách là vì cụ theo đường lối “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Chính cụ đã mơ mộng rằng Nhật sẽ giúp VN giành độc lập nên mới ra cơ sự này! Vậy đã thẩm thấu chưa? Hơn nữa, hành động của cụ hoàn toàn có thể thông cảm được vì nó diễn ra trong tình thế đất nước rơi vào tay giặc, mất chủ quyền và lúc đó cụ hoàn toàn không hiểu nhiều về Nhật, mà cụ thể là bọn cai trị ở Nhật. Mà ngay cả cụ có nhờ cậy ngoại bang thì cũng chỉ vì cụ muốn nước nhà độc lập, dân ta không bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ nữa. Còn ngày nay, chư vị đi cầu cạnh Mỹ khi nước nhà hoàn toàn độc lập và ai cũng rõ Mỹ là tên bóp nghẹt dân chủ khắp thế giới như thế nào thì có khác gì Lê Chiêu Thống xưa kia đâu. Còn nếu như chư vị ngưỡng mộ LCT thì tôi đây xin đầu hàng vô điều kiện.

Người ta đông du tây du để học hỏi cái hay, phát hiện cái dở để về áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, và quan trọng là dựa vào chính thực lực của mình để cứu vớt chính mình còn chư vị thì hàng ngày van nài: đại ca đầu rồng ơi, đại ca mang dioxin sang phát quang giùm nước em với, mà dioxin lỗi thời rồi thì mang mấy cái bã dân chủ mà lòe đồng bào giúp em với! Ăn mày dân chủ rởm thế này mà còn rêu rao khắp thiên hạ thì các vị là cao thủ đấy!

2. Tàn tích 2: Hồ Chí Minh và ĐCS VN đã can tội mang thứ chủ nghĩa ngoại lai vào đất nước khiến đất nước biến thành một thứ tiền đồn đẫm máu chỉ vì bảo vệ một ý thức hệ

À, chư vị luôn miệng bảo CN Marx là chủ nghĩa ngoại lai vậy thì cái chủ nghĩa nào là “thuần Việt”? CN tư bản, CN đế quốc, hay CN phát xít? ? Đến chết cười. Cơ mà, cái chủ nghĩa ngoại lai ấy khi áp dụng vào VN nó đã khiến VN đánh đổ bọn Pháp, Nhật rồi đại ca Mỹ, giành độc lập lại cho dân tộc Việt Nam. Còn cái chủ nghĩa thuần Việt nào đó mà Diệm đã áp dụng đã phá hoại Hiệp định Geneve, không tiến hành tổng tuyển cử, lê máy chém khắp miền Nam và khiến cho đất nước bị chia cắt thành 2 miền suốt 20 năm, chưa kể là cái chủ nghĩa “thuần Việt” nổi tiếng nào đó đã khiến Diệm phải tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Ôi, chính nghĩa thay cho cái chủ nghĩa “thuần Việt” ấy!

Còn nữa, ai biến mình thành pháo đài, tiền đồn của giặc, là con rối trong tay thiên hạ, làm cho VN thành bãi chiến trường? Là chế độ VNDCCH hay là chế độ Diệm-Nhu? Ai nhận tiền của quân xâm lược để nuôi sống cả bộ máy chính quyền từ quan cho tới quân? Ai đưa 500.000 quân Mỹ và các cố vấn Mỹ vào Việt Nam? Ai khiến nhân dân Việt Nam phải hy sinh xương máu cho nền độc lập và thống nhất nước nhà?

Chán, đây là thời nào rồi mà còn lặp lại y như vẹt giọng điệu của thời tiền sử: CN ngoại lai với chả ngoại lai.

3. Tàn tích 3: Chư vị là dị ứng với cụm từ “ăn bơ thừa sữa cặn” lắm vì chư vị thấy cần phải “nhắc thêm [để chúng tôi] tránh làm mất lòng cấp trên, con các vị lãnh đạo hiện nay (từ thủ tướng cho đến tất cả các bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành) đều đang đi “ăn bơ thừa sữa cặn” tại chính sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc đấy. Một số thì được “địch” nuôi 100%, một số thì được “ta” và “địch” cùng nuôi.”

Chậc, kể ra tôi cũng là người kiên nhẫn khi cố tiêu hóa hết những luận điệu này mà không bị ngộ độc. Dù sao cũng cám ơn các vị đã nhắc nhở nhưng mà dzầy: Tôi đây chả ăn lương đô la của ai nên chả có cấp trên nào phải sợ cả. Còn luận điệu rằng con cái của các vị lãnh đạo đi du học nước ngoài tôi nghe nhàm rồi, cứ tưởng là sẽ chẳng còn ai nếu có đủ cả đầu lẫn óc có thể nhắc tới nữa chứ, ai dè… Này nhé, CNTB là thành tựu của cả nhân loại trong cả một thời kỳ lịch sử đi từ chế độ phong kiến lên, nó có ưu điểm riêng của nó mà ưu điểm lớn nhất của CN TB chính là cách thức quản lý, công cụ lao động tiên tiến có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Do vậy, đi học tập những ưu điểm đó của nó có gì xấu? Tại sao ngày xưa khi cần đánh đuổi Pháp Hồ Chí Minh lại sang tận Pháp? Cơ mà, nói những điều này với chư vị xem ra phí lời vì đầu óc luôn thói “phủ định sạch trơn”, nhìn cái gì cũng phiến diện thì làm sao hiểu được những điều này?

Ngoài ra, chư vị hiểu gì cụm từ “ăn bơ thừa sữa cặn”? Những người nào mới là kẻ “ăn bơ thừa sữa cặn”? Chắc chắn không phải là các du học sinh VN sang trời tây học hỏi kiến thức để làm lợi cho chính bản thân, gia đình và đất nước rồi. Vậy thì chỉ còn lại những kẻ ngày ngày nhận đô la “tài trợ” cho hoạt động “tìm kiếm dân chủ” của mình thôi. Đó mới chính là kẻ “ăn bơ thừa sữa cặn”.
4. Tàn tích 4: bộ máy tuyên truyền của NN VN là 1 chiều, là ru ngủ, là áp đặt bưng bít người dân, không được khách quan, chói lòa dân chủ như Thông tấn xã Little Sài Gòn và anh hai Mỹ

Này thì “đài ta” nó “nhồi sọ, áp đặt, bưng bít” nhưng mấy cái web, forum, blog của chư vị thì sao nhỉ? Rặt toàn những từ ngữ hận thù quá khứ hay các thông tin bôi xấu NN VN và Hồ Chí Minh, các vị thì hễ mở miệng ra là lặp lại không sai một từ những luận điệu, hoặc là cổ lổ sĩ từ thuở thập niên 50-60, hoặc là những kiểu bôi nhọ như của “lý luận gia” Minh Võ mà Trần Chung Ngọc đã lột mặt nạ hắn từ lâu, hoặc là cái máy tuyên truyền dân chủ cực tốt của đại ca Mỹ. Thì ra cái “thông tin đa chiều” của chư vị là thế à? Hơi đơn điệu nhỉ. Chậc, hay là muốn “ý kiến đa chiều” như Mỹ thì mới thỏa lòng thỏa dạ? Vậy thì về mà tìm hiểu lại cái bộ máy tuyên truyền của Mỹ đi, đọc Noam Chomsky, chẳng hạn: “Bất kỳ ai từng chứng kiến một cuộc bầu cử ở Mỹ đều thấy rằng nó có cùng một cách thức như quảng cáo kem đánh răng”. Bush tuyên truyền đại loại như Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, đại loại nước Mỹ thân yêu mạnh như con voi đang bị Iraq khốn nạn yếu như con chuột đe dọa an ninh, đại loại nếu như Mỹ đánh Iraq thì sẽ nhanh chóng loại bỏ được nạn khủng bố, v.v… Chiến lược tuyên truyền này làm dân chúng Mỹ tin muốn sái cả cổ.

Thêm nữa, hễ bất kỳ ai lên tiếng phản bác các vị thì các vị bảo là bị ĐCS VN “nhồi sọ”. Tại sao các vị, thay vì bỏ công bới móc xem cái sọ của người ta mà không rảnh rỗi tự nhìn lại cái sọ của mình, xem nó bị nhồi nhét những gì từ cái miệng rêu rao dân chủ, nhân quyền của đại ca Mỹ, khiến các vị hình thành một phản xạ không điều kiện là cứ mở miệng ra là biến thành cái loa rè của TTX Little Sài Gòn, BBC hay Nhà Trắng thế!
5. Tàn tích 5: Cần lên án và đả phá Hồ Chí Minh vì ông ta… có người yêu, có vợ, có con

Đến đau bụng vì cười. Chưa nói gì đến tính chính xác của một rổ thông tin thật ít giả nhiều mà các vị tung hê, hãy hỏi một người bình thường nhất đi: một người có người yêu, có vợ, có con là một cái tội à? Hay là các vị bắt bẻ: sao có vợ có con mà không nói cho các vị biết? Cho các vị biết để các vị gửi tiền mừng chắc. Ô hay, đó là chuyện đời tư của người ta, người ta thích thì nói, không thích thì thôi, sao các vị tò mò thế? Xấu lắm đấy, bỏ nhá!

Nói những điều này với các vị cứ thấy nó vô duyên làm sao ấy, vì cái này ai mà chẳng hiểu, thế mà các vị cứ bắt mình cứ phải nói đi nói lại mãi thôi. Túm lại, điều cuối cùng mà những người có đầu óc bình thường nhất như chúng tôi đây muốn nói với các vị là: hãy thôi cái trò bới móc đời tư hòng hạ bệ một con người mà sự vĩ đại và công lao của Người đã được cả thế giới công nhận, dù bạn hay thù, và được cả một dân tộc xem như vị Cha già dân tộc. Chúng tôi không quan tâm Người có bao nhiêu vợ, bấy nhiêu con, chúng tôi chỉ quan tâm Người đã làm gì cho đất nước này, dân tộc này mà thôi.

Bài nói chuyện của tôi đến đây là hết, nếu tôi có lỡ xúc phạm đến các vị thì tôi xin vui lòng gặp lại quý vị lần sau!