Wednesday, December 20, 2006

Đánh nhau ở Hạ Long - Andy Koi

Cái này chôm từ blog của Công Tử Bạc Liêu, chết cười ...


Sáng 30/4, phi đội tập kết tại nhà ku NDM hừng hực khí thế lên đường. Bạn Na ở dưới nhà ơi ới gọi điện lên, đi đê đi đê.. Kòi với Neo ngay lập tức kéo khóa quần, ngó sang phía ku NDM vẫn đang nude, Kòi bảo "Ơ, đi nào!", NDM mặt buồn rười rượi nói vừa đủ nghe "Đéo đi" Image.

Kòi với Neo giật thót mình quát nhặng lên "Điên, đm, đi đê, dở hơi à", NDM vẫn tiếp tục ngồi ôm đầu gối kiên quyết "Đéo đi, huhu?!". Lộn hết cả ruột, mấy anh em phải chơi bài cùn "Đéo đi thì thôi, ở nhà hết", NDM mặt không đổi sắc thở nhẹ "Ừ, thế ngủ tiếp đây!!!" (chán hẳn Image).

Vậy là vẫn theo chương trình được lên dây cót sẵn, bạn Kòi, bạn Neo và bạn Na cặm cụi đóng xe về miền đất hứa, nơi trời và đất giao hòa, có tiếng sóng biển du dương với ánh nắng chan chứa tình yêu trai gái. Neo và Na nhìn nhau cười e lệ Image.

Xe dừng lại ở cổng khách sạn Asean, không có nhân viên mở cửa, 3 thằng lì luôn, không ra, xem chúng mày làm gì nhau. Lúc sau có một em chân dài nhưng tất cả các thứ còn lại đều ngắn lon ton chạy ra vỗ vỗ vào kính xe "Anh oy, xe gửi dưới hầm mà anh oy!". Ơ tổ sư, biết các bố đã chịu ở đây hay chưa mà bảo bố gửi xe, cơm tù nghe nhiều rồi còn khách sạn tù mới lần đầu thôi.

Bạn Kòi ngứa đèn rút điện thoại gọi sang lễ tân resort Tuần Châu, "A nhô, à mình là người nhà anh Tuyển đây mà, ở đó còn phòng không em?", giọng một thằng rất nuột nà trả lời "Dạ phòng thường thì hết rồi, phòng VIP được ko anh?", Kòi lại hỏi "À ừ, thế giá cả sao em", thằng kia tỉnh bơ "Dạ, $275 kèm 2 phiếu ăn sáng.. A lô, alô.. ơ anh ơi.. đâu rồi.. alô.!??!". Ba con chiên ngoan đạo nhìn nhau, không nói với ai lời nào, rồi xe từ từ lăn vào tầng hầm khách sạn Asean!

1h30 ngày 30/4, 3 thằng đang ngủ thì điện thoại bạn Na reo ầm ầm, không ai nghe. Lúc ngủ dạy thấy có tin nhắn từ Kevin Trề, "anh ngủ quên mẹ mất, đang phi xe khách xuống Hạ Long, tí gặp nhá".

5h chiều Kevin Trề gọi điện, "Anh đang ở trước cửa Asean này, ra đón anh cái", 3 người lính khấp khởi mừng ra ngoài khách sạn, không thấy ai quen Image. Gọi lại hỏi "Anh ở cái chỗ quái nào thế??", "ơ, điên à, anh đang đứng cái bảng Asean to đùng đoàng đây thây". Oy tra mẹ oy, hóa ra nó là cái pano quảng cáo của khách sạn Asean cách chừng 5km đường cò bay.

Lại lên xe lóc cóc ra đi, bạn Neo nổi hứng lôi laptop ra dj, tiếng trống dồn uỳnh uỳnh.. bàn dân thiên hạ cứ gọi là xúm lại xung quanh nghe vì hay quá Image. Kevin Trề xuất hiện cùng với Lan Elite, sau màn ôm hôn thắm thiết thông thường Kevin Trề đề bạt ngay ý kiến "Tối đi nhảy nhớ, đi cho biết thế nào là sàn Hạ Long". Nghị quyết ngay lập tức được thông qua.

9h30 PM, sau hơn 1 tiếng đồng hồ đợi phà, tiểu đội 5 người gồm 4 nam và 1 nữ có mặt tại vũ trường Hoàn Châu (ko nhớ rõ lắm, he he) tại Hòn Gai. Có khá nhiều xe mang biển 29 đang tọa lạc nơi đây, hứa hẹn một cuộc chơi tới bến.

Phải thừa nhận rằng vũ trường này thực sự ấn tượng về quy mô cũng như số lượng khách hàng. Với hệ thống làm lạnh tiên tiến bằng quạt trần và decor dựa theo nền tảng mỹ thuật của ghế nhựa Xuân Hòa, vũ trường đã tô đậm một phong cách rất riêng, rất tôi và cũng khá buồn cười Image.

Số lượng khách hàng ở đây đông vãi linh hồn, theo như nhận xét khách quan thì có khoảng 70% khách hàng nam giới có hình xăm, 29% là xăm kín người, 1% còn lại là tiểu đội 5 người. Hầu hết những hình xăm này không mang nhiều về tính nghệ thuật mà toàn Tử Nha câu cá, mẹ ơi con đói, hận tình, hận đời, hận đủ kiểu.. Nhóm tiểu đội lạnh lùng sms cho nhau, "Có gì nói bé thôi, chết đấy" Image.

Y như rằng, 11h PM, cách khoảng 2 bàn có vụ đụng độ. Choang choang.. choang.. Thấy ngay một chú ôm đầu được bảo vệ kéo ra. Ngay lập tức có 1 bàn ở đằng xa nhìn thấy rồi cả hội mỗi đồng chí cầm 2 chai beer hoành tráng lao sang. Vũ trường trở thành chiến trường. Tiểu đội 5 người mặt lạnh như băng tuyết, không nói câu nào, ngồi im thin thít.. nhìn cũng chả dám.

Thế rồi đám chiến binh đã được security mời ra ngoài. Nhưng, ngồi bên trong vẫn nghe thấy tiếng chân người chạy rầm rập, những âm thanh kiểu xoảng xoảng vẫn vang vọng bên tai. Nhóm Tiểu đội 5 người mặt xanh như tàu lá, kiên nhẫn ngồi lại. Bố bảo cũng chả dám ra.

Đâu chừng 5 phút sau, không hiểu sao hầu hết các bàn đứng dạy tuốt tuồn tuột phi ra ngoài và gần như ai ai cũng cầm ít nhất theo 1 chai beer. Không khí lúc đó càng thêm cao trào.

Tiểu đội 5 người lại tiếp tục kiên nhẫn, kiên nhẫn, và kiên nhẫn..

20 phút sau, không còn thấy ồn ào như ban đầu, bạn Na rụt rè hỏi thằng nhân viên "Đánh nhau xong chưa em?", thằng ku bảo "Chúng nó về hết rồi anh". Tiểu đội mạnh dạn bước ra. Trời ơi, chúng nó đang dàn quân 2 bên hàng rào hằm hè nhau. Có một chú đi NouVo chửi dõng dạc "Lịt mịa bọn dân chơi Hạ Long chúng mày, sang Hòn Gai mà nhờn!". Bên kia lại ầm ầm lên hè nhau kéo sang nhưng security ở đây chắc cũng có sừng có mỏ nên can lại được.

Tiểu đội 5 người đứng ngây ra nhìn, ko biết phải làm sao!

Thình lình, bên Hạ Long có chú ném vèo 1 phát cái gì đen đen sang bên kia. Thấy tiếng ai hô hoán ầm ĩ "Lựu đạn, lựu đạn..". Ối giời ôi, dân tình chạy bán sống bán chết, la hét ầm trời.

Tiểu đội 5 người không có đường chạy, ôm nhau khóc mà rằng "Ko được sinh cùng ngày thì chết xin nguyện được bên nhau". Nói đoạn khóc như mưa Image.

Nhưng, cái đen đen đấy không hiểu là cái gì, chỉ chắc chắn 1 điều rằng nó không thể nổ. Cũng nhờ vậy nên đám chiến binh té mẹ nó gần hết. Vũ trường kiêm chiến trường lại trở thành chốn an hòa như nó đã từng là như thế. Các anh 113 cũng vừa đến nơi. Các đạo giang hồ tản đi dần, những việc ân oán sau này không tiên liệu được.

Tiểu đội 5 người lên đến phà trở lại Bãi Cháy, và đêm hôm đấy biến luôn về quê. Từ dạo đó ai cũng phải nhắc nhau "Khồng, sàn siếc nhảy nhót, nghỉ nhá!"

Tuesday, December 19, 2006

Quang Trung 5 - Cavenui

Đô đốc Long là Long nào?

Trong entry trước em có viết rằng thuyết của GS Phan Huy Lê chỉ là thuyết được công bố một cách hoành tráng sớm nhất về viên tướng đánh trận Đống Đa chứ không phải là thuyết ra đời sớm nhất. Trước ông, vào đầu thế kỷ, đã có 1 thuyết khác, nhưng không được phổ biến rộng rãi bằng.

Ông nghè Nguyễn Trọng Trì (1854-1922), một trí thức địa phương không mấy nổi tiếng sống ở Bình Định buổi bàn giao giữa 2 thế kỷ có viết 1 cuốn sách tên là “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện”. Trong số các tướng miền trung theo Quang Trung ra Bắc đánh Thanh có ông Đặng Văn Long, người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Em không có điều kiện đọc sách này, nhưng trong các cuộc tranh luận về đô đốc Long, người ta có chép lại một đoạn văn của nghè Trì về viên tướng như sau:

“Đặng Văn Long tự là Tử Vân người thời Tây Sơn, quê huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Lúc nhỏ học võ, rất tinh thông môn trường quyền… Long thông minh vô cùng có nhiều phát minh về nguyên lý của miên quyền, trong rừng võ gọi Long là Đặng Vô Địch; lại thấy nằm dưới đất dùng cánh tay chặn được bánh xe nặng nên gọi là Thiết Tí Đặng (Đặng tay như sắt).

Nguyễn Huệ phá giặc Thanh, Văn Long tự thị nghiêu dũng, muốn lập công lạ, bèn mặc áo trắng cầm kích, lưng đeo cung dài hét to, xông vào trước. Đến nơi nào giặc cũng không chống nổi… vua đặt ban cho hai con ngựa và 40 xấp lụa. Tục truyền là Bạch Y tướng quân (tướng quân áo trắng)

Năm Cảnh Thịnh thứ 2, dư đảng nhà Lê vào cướp Thăng Long, Văn Long nhiếp chức Tả võ uy tướng quân An Đông đạo kinh lượt, giữ trách nhiệm ở chốn biên phòng nhiều phen lập chiến công, được phong chức tả võ lâm quân Đại tướng quân…”.

Nếu chỉ dừng ở đoạn trích dẫn này thì ông nghè Trì không viết thẳng về trận Khương Thượng-Đống Đa. Nhưng cái tên Long khiến nhiều người (trong đó có nhóm bè bạn bác Bùi Thiết) đặt giả thiết: đô đốc Long= Đặng Văn Long.

Bình luận về sách Tây Sơn lương tướng, sử gia Tạ Chí Đại Trường (sử gia hải ngoại, nhưng đã có 2 cuốn sách được in trong nước, cuốn thứ 2 mới in ở NXB Công an nhân dân viết về lịch sử nội chiến thời Tây Sơn) cho rằng với vị thế 1 trí thức nhỏ ở tỉnh lẻ, ông nghè Trì không có điều kiện tìm đọc nhiều sách sử, rất có thể chưa hề nghe thấy tên “đô đốc Long” trong cuốn sách Hoàng Lê nhất thống chí lúc đó chưa phổ biến rộng rãi. Nên không có chuyện ông nghè cố tìm 1 người tên Long để giải bài toán đô đốc Long, mà chắc chắn phải có những cơ sở nào đó ở địa phương để ông lăng xê ông Đặng Văn Long này.

Éo le thay, Đặng Văn Long không phải là tướng Long duy nhất được các nhà nghiên cứu địa phương đưa ra. Search cụm từ “đô đốc Long” trên mạng, em còn tìm ra 2 ông Long nữa. Đủ cả tam Long: Thăng Long, Hạ Long và Tân Long…

Trong 1 tạp chí của Sở VHTT Quảng Ngãi số xuân Đinh Sửu 1997, ông Hồng Nhân (nguyên giám đốc sở VHTT Nghĩa Bình và Quãng Ngãi) cho biết “đô đốc Nguyễn Tăng Long, người làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ huyện Sơn Tịnh, một trong những danh tướng góp công đại phá quân Thanh ở Thăng Long năm 1789”. Lý do ông Hồng Nhân tiến cử Nguyễn Tăng Long, ngoài những câu chuyện ở địa phương, còn là 1 bản sắc phong của Cảnh Thịnh ban cho ông này chức đô đốc, ở quê gọi là đô Miên. Điều đáng tiếc là bản sắc phong cũng không còn (“đã bị bom đạn Mỹ đốt cháy năm 1967”?) , nội dung của nó là do các cụ trong làng kể lại.

Ngoài Long Bình Định và Long Quảng Ngãi, tướng Long thứ 3 quê ở Quảng Nam tên là Lê Văn Long. Ông này là con trai Thủ Tài hầu Lê Văn Thủ cũng theo Nguyễn Huệ từ sớm. 1 sắc phong của Quang Trung phong cho ông chức võ tướng hữu quân đô đốc vào ngày 5 tháng 2 Quang Trung năm thứ 2, tức là không lâu sau chiến thắng Kỷ Dậu càng khiến người ta tin rằng ông là đô đốc Long (từ thời gian khen thưởng suy luận ra công trạng mới lập trước đó hẳn là công chống Thanh, chức hữu quân rất hợp với chức hữu quân của đô đốc Long trong sử).

Tóm lại, cả 3 ông Long đều có cơ sở để được đề cử vào “danh hiệu” đô đốc Long, nhưng cả 3 ông, cũng như ông Đặng Tiến Đông ở Hà Tây, không ông nào đủ mạnh để chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đua.

Trong 3 tướng Long, ông Đặng Văn Long là người nổi tiếng nhất. Cuốn “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn, Quách Giao ngả theo thuyết đô đốc Long là ông Long này. Nhưng vào thời điểm viết sách, giả thuyết Đặng Tiến Đông đã được công bố, để dung hoà các thông tin trái ngược, họ Quách liền cho Đặng Tiến Đông làm phó tướng cho Đặng Văn Long. Thế là xong, các bên đều vui vẻ cả.

Nếu không có phát hiện lịch sử nào lớn, 50 năm nữa em sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Tây Sơn. Trận Đống Đa của em sẽ có đủ Long A, Long B, Long C, và cả Đặng Tiến Đông nữa. Chiếc bánh chiến công to lắm, ông nào cũng có phần, con cháu ông nào cũng vui lòng hả dạ.

(còn nữa)

Sunday, December 17, 2006

Tài năng hay lừa đảo ?

Dantri.com, thứ tư ngày 13/12/2006

Nữ lập trình viên xinh đẹp và tài năng
Ngô Doanh Doanh trước bàn làm việc.

12 năm trước, cô gái quê ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) Ngô Doanh Doanh bắt đầu học về lập trình máy tính, sau khi lên đại học thì đoạt giải bạc trong cuộc thi sinh viên lập trình quốc tế và được chọn làm chủ tịch trợ lý châu Á của cuộc thi này. Cô rất thích toán học và từng đoạt giải thưởng lớn về toán học của sinh viên trên toàn quốc.

Để có được những thành công hôm nay Doanh Doanh cho biết cô học tập và lao động rất cật lực. Thông thường mỗi ngày cô làm việc khoảng 16 giờ.

Cô gái 21 tuổi này chia sẻ tâm niệm của mình: Làm những điều mình thích mà không vì danh lợi và tận tâm tận lực làm tốt công việc của mình. Không những thế cô còn cho rằng “trong lĩnh vực phát minh sáng tạo bạn phải dũng cảm thử và tuyệt nhiên đừng bao giờ sợ thất bại”.

Theo Uyên Kim
Tuổi Trẻ/Tân Hoa xã

Dantri.com, thứ hai, ngày 18/12/2006

Người đẹp thiên tài hay cao thủ lừa đảo?

Ngô Doanh Doanh - nhân vật đang “hot” ở Trung Quốc hiện nay.

Ngô Doanh Doanh sinh tháng 8/1985 tại Thành Đô, năm 2003 thi đỗ vào ĐHSP Bắc Kinh, hiện đang là sinh viên Học viện Tâm lý thuộc trường này.

Mọi việc bắt đầu hôm 7/12, Trường ĐHSP Bắc Kinh tổ chức họp báo công bố sinh viên năm thứ 4 Ngô Doanh Doanh được Công ty siêu quốc gia TopCoder danh tiếng mời làm Phó Tổng giám đốc khu vực châu Á với mức lương không dưới 50 vạn tệ/ năm (1 tỷ VND).

Cũng theo thông tin của phía nhà trường thì cô nữ sinh 21 tuổi xinh đẹp này đã có trong tay 100 phát minh, 3 bằng sáng chế cấp quốc gia, Huy chương Bạc cuộc thi lập trình khu vực châu Á của Hiệp hội máy tính Mỹ ACM, là người Trung Quốc đầu tiên trong Đoàn chủ tịch Ban chấp hành ACM. Chưa hết, cô còn là một vũ sư vào hàng cao thủ có tuổi nghề hơn 10 năm trên sàn nhảy…

Hai ngày sau đó, Ngô Doanh Doanh liên tiếp xuất hiện trên các trang báo, các diễn đàn mạng để nói về bí quyết thành công cũng như những trắc trở trong cuộc đời mình và trở thành một ngôi sao, một “mỹ nữ thiên tài” được ưu ái của giới truyền thông.

Doanh Doanh nói đã được mấy chục tờ báo hẹn phỏng vấn. Tuy nhiên hình ảnh quá hoàn mỹ của Ngô Doanh Doanh cũng bị đặt thành vấn đề trên các diễn đàn mạng. Có ý kiến chỉ trích các bằng sáng chế là giả mạo, 100 phát minh cũng là bịa đặt, lai lịch đầy huyền diệu của cô ở nước ngoài cũng bị nghi ngờ.

Theo điều tra của tờ Tân Kinh Báo thì tư liệu về cá nhân Ngô Doanh Doanh cơ bản là đúng, nhưng sự nghi ngờ đó cũng không phải không có lý: Từ trước đến nay Ngô chưa hề nói 100 phát minh đó là những gì?

3 bằng sáng chế đều về tra tự điển nhanh vốn đã được lưu truyền khá rộng rãi và có 1 cái chưa được thông qua và cô cũng không phải là thành viên ban lãnh đạo ACM.

Đến ngày 14/12 thì lãnh đạo trường ĐHSP Bắc Kinh lên tiếng thừa nhận: 100 phát minh chưa được kiểm chứng nên không thể nói rõ, 3 sáng chế thì đúng ra là chỉ có 2, chuyện các chức vị và hoạt động thì có sự phóng đại quá mức.

Phóng viên đã tìm cách liên lạc với Ngô Doanh Doanh qua điện thoại và tin nhắn song đều không nhận được hồi âm.

Có ý kiến cho rằng, trong hoạt động “tạo sao” này, ĐHSP Bắc Kinh đã đóng vai trò “phóng vệ tinh”. Thực ra Ngô được TopCoder mời giữ chức từ tháng 8 cơ, nhưng khi đó chả báo nào đưa tin, người ta cũng nghi ngờ về động cơ đánh bóng tên tuổi của công ty qua vụ việc này.

Tuần tới, chi nhánh châu Á của TopCoder sẽ khai trương tại Bắc Kinh nhưng đến nay mới chỉ có một mình cô vừa là lãnh đạo vừa là nhân viên. Phía nhà trường đã lên tiếng phủ nhận họ làm như thế để đánh bóng tên tuổi cho Ngô.

Đến nay thì vấn đề đã tương đối rõ: Đây là một kiểu đánh bóng tên tuổi một cá nhân có sự phối hợp chặt chẽ, sắp đặt công phu khiến hàng mấy chục cơ quan báo chí mắc lừa. Dưới đây là kết quả điều tra của Tân Kinh Báo về những điểm nghi ngờ trong lai lịch và thành tựu của “mỹ nữ thiên tài” Ngô Doanh Doanh:

Về “100 phát minh”, Ngô phát biểu: “Khi hoạt động bình chọn sinh viên xuất sắc năm 2006 bắt đầu cũng là lúc tôi hoàn tất phát minh thứ 100 của mình. Hy vọng những phát minh của tôi sẽ có đóng góp cho đất nước”.

Qua điều tra thấy, Ngô Doanh Doanh chỉ nói mà không hề kể tên 100 phát minh đó là những gì. Phía nhà trường cũng nói họ chưa kiểm chứng chúng và “có thể gồm cả những phát minh từ hồi học trung học, nhưng có lẽ cũng không nhiều đến thế”.

Về chức danh trong Đoàn chủ tịch ACM, Ngô nói: “Ngày 15/11/2005 tôi được bầu làm Trợ lý Chủ tịch ACM, trở thành người Trung Quốc đầu tiên có mặt trong Đoàn chủ tịch ACM.

Tiếp đó tôi lại nhận lời tham dự vòng chung kết cuộc thi lập trình viên quốc tế lần thứ 13 và Hội nghị cấp cao RCDS”.

Kết quả điều tra cho thấy: Trên website của ACM không tìm thấy tên của Ngô Doanh Doanh, còn trong thư của ông W.Bochett, Giám đốc hành chính của ACM gửi Ngô hôm 12/4/2006 thì ghi rõ chức vụ cô được giao đảm nhiệm là “Trợ lý báo chí khu vực Trung Quốc và Trợ lý người phụ trách khu vực châu Á”.

Ngày 14/12, phía trường đã đính chính: Ngô Doanh Doanh không phải thành viên Đoàn chủ tịch ACM mà chỉ là Trợ lý Đoàn chủ tịch Hội đồng thi, “có lẽ do sai sót khi phiên dịch” (!?).

Về tấm Huy chương Bạc cuộc thi ACM khu vực châu Á, Ngô Doanh Doanh nói: “Bằng nỗ lực vất vả của bản thân, tôi đã giành được Huy chương Bạc cuộc thi ACM khu vực châu Á, thực hiện cú đột phá xoá bỏ tình trạng sinh viên ĐHSP Bắc Kinh chưa bao giờ được giải trong cuộc thi danh tiếng này”.

Qua điều tra trên trang web của ACM thì thấy trong danh sách 24 người đạt thành tích tốt nhất trong cuộc thi năm đó ở Thành Đô không thấy có tên Ngô Doanh Doanh. Ngô nằm trong số khoảng hơn 10 thí sinh ngoài danh sách này nhưng không thấy ghi là được trao giải gì.

Về 3 bằng sáng chế quốc gia, trên website của Cục Bảo hộ bản quyền tri thức Trung Quốc thấy ghi Ngô Doanh Doanh sở hữu 2 sáng chế về phương pháp tra tự điển nhanh. Tuy nhiên còn có ý kiến cho rằng 2 sáng chế này thực ra là một, nhưng cô đã đăng ký bản quyền tại hai nơi khác nhau với tên gọi khác nhau.

Phóng viên đã tìm đến trường ĐHSP Bắc Kinh để gặp gỡ bạn học của Ngô Doanh Doanh thì được biết: “Bạn ấy thành tích học tập rất tốt, nhưng rất xa cách bạn bè”.

“Ngô chuyển từ lớp thực nghiệm sang học viện tâm lý hồi năm thứ 2, bạn ấy rất bận, rất ít lên lớp, mọi người đều không hiểu về bạn ấy lắm, cũng chả biết bạn ấy làm gì, chỉ nghe nói hồi học lớp 5 bạn ấy đã học lập trình. Nói thật, nhiều điều về bạn ấy mấy ngày nay chúng em mới được biết khi đọc báo thôi”.

Ngô Doanh Doanh hiện đã “mất tăm”. Trước đây khi gõ tên cô để tìm kiếm, người ta sẽ nhận được trả lời “ứng cử viên nhân vật sinh viên toàn quốc 2006”, còn nay thì tên cô đã gắn với những từ không mấy hay ho như: “Giả mạo học thuật”, “tập thể lăng-xê”, “cao thủ lừa đảo”…

Theo Thu Hoa
Tiền Phong/Tân Kinh Báo, 15/12

Friday, December 15, 2006

Quang Trung 4 - Cavenui

4. Ai đã ghi bàn mở tỉ số trận Đống Đa?

Có thể khác nhau ở những chi tiết lặt vặt, nhưng hầu hết các sách sử xưa khi viết về chiến dịch giải phóng Thăng Long của Quang Trung đều thuật như sau:

Trong khi đội quân trung tâm do đích thân Quang Trung chỉ huy đang đánh nhau với quân Thanh ở Ngọc Hồi-Hạ Hồi thì cánh hữu quân thọc vào khu vực Khương Thượng-Đống Đa, làm 1 trận thảm sát quân Thanh cực kỳ hoành tráng, tướng Thanh Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử và cánh hữu quân này đã tiến vào Thăng Long đầu tiên. Ý nghĩa của chiến thắng Khương Thượng-Đống Đa này lớn đến nỗi mà ngày nay, chúng ta đều gọi chiến dịch giải phóng Thăng Long một cách giản lược là trận Đống Đa.

Nhưng viên tướng chỉ huy hữu quân, tiền đạo cánh phải ghi bàn mở tỉ số trong trận Đống Đa là ai thì sử sách chép lại rất mơ hồ.

Hoàng Lê nhất thống chí và một số sách chép là "đô đốc Long". Đại Nam chính biên liệt truyện và một số sách khác chép là "đô đốc Mưu". Tất cả các sách sử cũ, không những không nói gì về thân thế sự nghiệp viên đô đốc, mà họ tên đầy đủ cũng không có nốt.

Sử cũ không chép rõ thì sử mới phải đi tìm. Tìm trong dân gian, lục tung các gia phả, sục sạo các miếu đền, phủi bụi các bản sắc phong v.v.

Người tìm ra sớm nhất, nói chính xác hơn, người công bố cái sự tìm ra của mình một cách hoành tráng sớm nhất là GS Phan Huy Lê- 1 tên tuổi lớn trong giới sử học Hà Nội.

Năm 1973 GS Lê giới thiệu phát hiện của mình trong 1 cuốn sách danh nhân quê choa của tỉnh Hà Tây, 1 năm sau GS giới thiệu trên các tạp chí chuyên ngành ở tầm trung ương là tờ Khảo cổ học và tờ Nghiên cứu lịch sử. Viên tướng chỉ huy hữu quân đó, té ra tên không phải là Long, cũng không phải là Mưu, mà tên là Đông: Đặng Tiến Đông. Viên tướng đó không phải đồng hương Bình Định với Quang Trung, mà là người Hà Tây, thuộc 1 dòng họ có thể gọi là danh gia vọng tộc, trí thức lớn Bắc Hà-quan lớn nhà Lê-Trịnh. Vì GS Phan Huy Lê uy tín đầy mình, nên nhân vật Đặng Tiến Đông mau chóng được thừa nhận. Cả viện bảo tàng lịch sử Hà Nội lẫn Nhà bảo tàng Quang Trung ở Bình Định đều phục chế và trưng bày sắc phong của Tây Sơn cho Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông, con đường chạy sát gò Đống Đa ở Hà Nội được đặt tên là phố Đặng Tiến Đông. Tướng Đông còn được giới thiệu trong Từ điển bách khoa VN như là vị chỉ huy đạo quân đánh vào Khương Thượng-Đống Đa...

Không đi sâu vào chuyện đời Đặng Tiến Đông qua sự tường thuật của Phan tiên sinh, ta chỉ chú ý đến cơ sở để GS khẳng định Đặng Tiến Đông là viên tướng chỉ huy trận Khương Thượng-Đống Đa.

Ở Hà Tây có 1 cái chùa tên là chùa Thủy Lâm. Trước chùa này có dựng văn bia "Sùng đức thế tự bi" ghi chép công trạng Đặng Tiến Đông, văn bia có đoạn:

Mậu Thân @@ sơ, Bắc binh Nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi Bắc binh hội. Công đơn kỵ đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long, sách huân hành thưởng...

2 chữ @ là 2 chữ đã bị đục bỏ, GS Lê đoán 2 chữ đó là Quang Trung và dịch nghĩa đoạn trên như sau:

Năm Mậu Thân đầu đời Quang Trung, quân Bắc xuống cai trị nước Nam, ông phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong, tiến đánh cho quân Bắc tan vỡ. Ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm. Vũ Hoàng vào Thăng Long, tiến hành khen thưởng...

Chi tiết đô đốc Long (Mưu) vào Thăng Long trước tiên trong sử cũ ứng với chi tiết Đặng Tiến Đông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm trong văn bia. Từ đó GS Lê khẳng định tướng Đông là viên tướng chỉ huy hữu quân, đánh trận Khương Thượng-Đống Đa, vào thành Thăng Long trước tiên, và có lẽ chính là người mà sử cũ chép là đô đốc Long với cả đô đốc Mưu.

Đã có một số sử gia ít tiếng tăm hơn GS Lê phản bác lại GS, trong những tạp chí chuyên ngành lưu hành nội bộ, trong những đơn thư tố cáo đả kích vừa bỉ tư tưởng vừa bỉ cá nhân..., nhưng những chuyện như vậy người ngoài giới không thể biết được. Câu chuyện "có thật Đặng Tiến Đông?" chỉ được đem ra buôn lê vào năm 2000, khi xuất hiện cuốn "Đối thoại sử học" (nộp lưu chiểu 12/99- NXB Thanh Niên) của 1 nhóm sử gia quy tụ quanh Bùi Thiết ném đá GS Lê và vài tháng sau là cuốn "Thực chất của Đối thoại sử học" (NXB Thế Giới) gồm những bài viết của GS Lê và các đệ tử phản pháo lại nhóm Bùi Thiết và chiến hữu. Đặng Tiến Đông chỉ là 1 trong non chục chiến trường để 2 bên phô diễn kỹ năng và tiểu xảo ném đá. Ngoài trận Đặng Tiến Đông, 2 bên còn đánh nhau trên các mặt trận "đồ sắt đồ đồng đồ nào có trước", "phân kỳ lịch sử VN", "bản in Đại Việt sử ký toàn thư-Nội các quan bản", "phòng tuyến Tam Điệp", "Phan Liêu", "đền Cẩu nhi" (vụ này năm 2005 một lần nữa được chiến tiếp). Cá nhân em thấy chỉ có vấn đề Đặng Tiến Đông là hấp dẫn hơn cả.

Giương cao ngọn cờ "phù Long diệt Lê", các chiến hữu của Bùi Thiết (Đỗ Văn Ninh, Trần Văn Quý, Lê Trọng Khánh) tập trung vào những điểm sau:

- Điều gì khiến GS Lê khẳng định 2 chữ bị đục bỏ là Quang Trung?

- Đầu năm Mậu Thân chưa có trận Đống Đa, chỉ có trận Tây Sơn tiến vào Thăng Long đánh đuổi vua tôi Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chỉnh để đáp trả lại việc vua Lê cho sứ vào Nam đòi đất. Bắc binh ở đây là quân vua Lê. Công trạng của viên tướng họ Đặng là công trạng đánh Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chỉnh không phải công trạng đánh quân Thanh. Chiến thắng Đống Đa diễn ra vào dịp Tết Kỷ Dậu, không phải vào năm Mậu Thân.

- Cùng là trí thức lớn Bắc Hà với nhau, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí thuộc họ Ngô Thì tất nhiên phải biết rõ dòng họ Đặng ở Lương Xá, trong đó có Đặng Tiến Đông, nếu quả thực họ Đặng đánh trận này tất nhiên họ phải biết và phải viết, không thể ghi nhầm là đô đốc Long được. Họ Ngô Thì không ít chữ đến nỗi nhầm chữ Long với chữ Đông.

- Phải trả lại công trạng cho đô đốc Long, phố Đặng Tiến Đông dứt khoát phải đổi lại tên thành phố Đô đốc Long.

Đáp trả lại, các học trò của GS Phan nói rằng:

- Nhóm ném đá dốt mới đem chữ sơ bổ nghĩa cho chữ Mậu Thân, rồi gán ghép thành sự kiện đánh Nguyễn Hữu Chỉnh đầu năm Mậu Thân. Chữ sơ dùng để bổ nghĩa cho 2 chữ @ bị đục bỏ, "Mậu Thân @@ sơ" không phải là "đầu năm Mậu Thân" mà là "năm Mậu Thân đầu niên hiệu @@". Năm Mậu Thân 1788 đúng là năm quân Thanh tràn vào VN, ứng với việc Bắc binh Nam mục.Năm 1788 đúng là năm Nguyễn Huệ lên ngôi, năm đầu tiên của niên đại Quang Trung nên Mậu Thân Quang Trung sơ là hợp lý. Dưới chế độ nhà Nguyễn, chữ Quang Trung bị đục bỏ là lẽ dĩ nhiên. Một số chuyên gia đem theo con lăn với mực ra tận hiện trường khảo sát cũng khẳng định chữ bị đục bỏ phải là Quang Trung.

- Đầu năm Mậu Thân đúng là có chuyện Tây Sơn ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng không có chuyện Vũ Hoàng vào thành ban thưởng như trong văn bia.

- Nhóm ném đá khẳng định Bắc binh là quân vua Lê thế Bắc binh Nam mục giải thích thế nào. Trong năm Mậu Thân 1788 không có đợt Nam tiến nào của quân vua Lê cả. Nhóm ném đá có bóng gió nhắc đến chuyện vua Lê cử 1 đoàn sứ bộ vào Nam đòi đất, nhưng phái đoàn 21 người đòi đất một cách nhũn nhặn đó không thể gọi là Bắc binh Nam mục được.

- Nhóm ném đá đòi tôn vinh đô đốc Long, vậy đô đốc Mưu thì sao?

Có lẽ là trong phần phân tích văn bia chùa Thủy Lâm, học trò thầy Phan nói đúng hơn bè bạn bác Bùi. Đúng là văn bia nói chuyện đánh quân Thanh. Các cụ ngày xưa viết lách quá nén, bây giờ extract ra đầy lỗi, đâm ra nan giải. Mậu Thân Quang Trung sơ ứng với chuyện Hoa quân nhập Việt, còn đoạn đánh nhau là ở khúc sau của câu, nên dẫu việc đó xảy ra vào đầu năm Kỷ Dậu tiếp theo; thì cũng không bắt bẻ được gì.

Nhưng từ chỗ văn bia chùa Thủy Lâm ghi công Đặng Tiến Đông đến việc khẳng định hùng hồn Đặng Tiến Đông chính là người có công đánh trận Khương Thượng-Đống Đa, có vội quá không?

Thắc mắc của bạn bè bác Bùi về chuyện sao họ Ngô Thì, chơi với họ Đặng như thế mà không đả động đến họ Đặng, đâu phải là không có cơ sở?

Có văn bia chùa Thủy Lâm thì biết đâu cũng có thể có những văn bia khác ở những chùa khác. Ở Bình Định đã có một vài giả thuyết được đưa ra, và tất cả các ứng cử viên Bình Định đều có tên là Long.

(còn nữa)

Quang Trung 3 - Cavenui

3. Có 1 hay 2 tướng Ngô Văn Sở?

Ngô Văn Sở là 1 viên tướng giỏi dưới quyền Quang Trung, sự nghiệp thăng tiến vùn vụt trong giai đoạn Bắc Hà. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết phản tướng Vũ Văn Nhậm, Sở được phong chức Đại tư mã, cai quản toàn bộ 11 trấn Bắc Hà. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép lời Nguyễn Huệ: “Sở và Lân (Phan Văn Lân) là nanh vuốt của ta”, chứng tỏ Sở rất được Nguyễn Huệ tin cậy. Khi quân Thanh vào VN, Sở nghe theo kế Ngô Thì Nhậm, tổ chức rút lui chiến thuật về Tam Điệp, gọi đại quân của Nguyễn Huệ ra xử lý. Việc rút lui này cũng được Nguyễn Huệ khen ngợi. Sở tiếp tục cai quản Bắc Hà một thời gian nữa. Sau khi Quang Trung chết, nội bộ chính quyền vua con Cảnh Thịnh lục đục, Vũ Văn Dũng làm đảo chính lật đổ thái sư Bùi Đắc Tuyên, Sở thuộc phe Tuyên bị tướng Dũng dìm xuống sông Hương cho đến chết.

Đó là tư liệu dạng phổ biến nhất về tướng Sở, người được đặt tên phố ở Hà Nội. Nhưng sự thật dường như phức tạp hơn.

Tạp chí Sông Hương số 25 (tháng 5-6, 1987), nhà nghiên cứu xứ Huế Phan Thuận An viết bài: “Tướng Ngô Văn Sở không phải là danh tướng Ngô Văn Sở" cho biết có đến 2 ông Ngô Văn Sở cùng họ tên ở cùng một thời kỳ, nhưng lại phục vụ 2 chế độ đối kháng nhau. Ngoài đại tư mã Sở đã nói ở trên (quê Nghệ Tĩnh), Tây Sơn còn 1 viên đô uý Ngô Văn Sở (quê Gia Định) sau ra hàng Nguyễn Ánh, làm tướng dưới quyền Võ Tánh ở Bình Định, sau khi Gia Long dẹp yên Tây Sơn, tướng Sở này được giao trấn thủ Thanh Hoa ngoại (Ninh Bình).

Những thông tin này nhà nghiên cứu Phan Thuận An lấy từ Đại Nam chính biên liệt truyện.

Thế Giới Mới số 50 (2/93) có đăng bài của Vĩnh Định phản bác kết luận có 2 tướng Sở của Phan Thuận An. Vĩnh Định khẳng định tướng Sở ra hàng Nguyễn Ánh chính là đại tư mã Sở nổi tiếng kia.

Thứ nhất, Sở Gia Định với Sở Nghệ Tĩnh, theo tác giả, chính là 1 người.

Dòng dõi tướng này đúng là ở Hà Tĩnh, nhưng mấy đời trước đã lưu lạc đến Gia Định rồi nhập cuộc chính ở miền Nam. Đại tư mã Ngô Văn Sở của Tây Sơn ăn cơm tấm nói giọng Gia Định, khi làm tổng trấn Bắc Thành có gọi họ Ngô ở Nghệ Tĩnh đem đối chiếu gia phả để nhận họ.

Thứ 2, thông tin về Sở bị Vũ Văn Dũng dìm chết trong vụ chính biến chỉ là 1 nguồn thông tin, các gia phả của họ Ngô ở nhiều nơi đều nói Sở biết được Dũng mưu hại nên đã ra hàng Nguyễn Ánh và thoát. Quyển Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn của Nguyễn Phương, xuất bản ở Sài Gòn năm 1968 cũng viết: "Họ (tức Võ Văn Dũng) còn mạo chiếu ra Bắc thành xin Quang Thùy cho Ngô Văn Sở về kinh, nhưng Sở biết trước, đã liệu đầu hàng Nguyễn Ánh".

Theo thuyết của Nguyễn Phương và Vĩnh Định, đại tư mã Ngô Văn Sở lẫy lừng của Tây Sơn đã ra hàng Nguyễn Ánh và chính là viên tướng được giao cai quản Ninh Bình, chết già năm 1822, lăng mộ tử tế.

Ý kiến 2 có vẻ ổn hơn ý kiến có 2 tướng Ngô Văn Sở, nhưng còn 1 điểm gây phân vân. Ngô Văn Sở là danh tướng của Quang Trung ra hàng Nguyễn Ánh, nếu Ánh không dung thì không nói làm gì, còn nếu dung thì sao không biết sử dụng tài nghệ của ông ta mà chỉ cho Sở giữ 1 chức nhỏ (nhỏ đến nỗi mà nhiều sử gia không để ý đến chi tiết có viên tướng Ngô Văn Sở của nhà Nguyễn theo Đại Nam chính biên liệt truyện)? Liệu giám đốc khu vực của Microsoft khi đầu quân cho Intel mà chỉ làm 1 nhân viên bán hàng thì có tin được không?

Vĩnh Định giải thích rằng Sở đã khai man lý lịch, hạ cấp chức vụ của mình ở Tây Sơn xuống thành đô uý. Nhưng lính Tây Sơn hàng Nguyễn cũng nhiều, Sở thừa biết là chẳng thể che giấu thân thế mình được lâu, ông ta làm vậy làm gì? Hơn nữa, về phía Ngô Văn Sở, nếu sau khi thoát chết, chỉ muốn yên thân thì ông ta không nhất thiết phải hàng Nguyễn Ánh. Còn nếu muốn trả thù Tây Sơn ngược đãi mình thì lẽ ra ông phải khoe tầm cỡ của mình, hăng hái xông lên tuyến đầu, trở thành danh tướng cho Nguyễn Ánh mới phải.

(còn nữa)

Quang Trung 2 - Cavenui


Quang Trung (2) magnify

2. Quang Trung đại phá mấy vạn quân Thanh?

Tầm vóc của chiến thắng quân Thanh quyết định tầm cỡ của nhà quân sự Quang Trung Nguyễn Huệ, vì thế việc xác định số quân Thanh tham chiến ở VN là rất quan trọng trong sự đánh giá Quang Trung.

Đều nói có sách mách có chứng hẳn hoi, nhưng nếu như những người thuộc phái tự tôn dân tộc có thể tự hào rằng Quang Trung đại phá đến 1 triệu quân Thanh thì những người thuộc phái “người VN xấu xí” lại bảo số quân Thanh chỉ vẻn vẹn hơn 1 vạn. Ở giữa 2 con số khác nhau một trời một vực (gấp nhau 100 lần) đó là nhiều con số khác.

Thật ra ở cả 2 cực thống kê, người ta đều ăn gian tí tẹo.

Con số 1 triệu được lấy từ Hoàng Lê Nhất Thống Chí, căn cứ vào bài hịch của Tôn Sĩ Nghị tuyên bố số quân Thanh là 50 vạn, và “Tám điều quân luật” của họ Tôn nói rằng mỗi người lính được cấp 1 tên phu. Vị chi lính+ phu= 1 triệu. Ta thừa biết những tuyên bố của Tôn Sĩ Nghị (cho là Hoàng Lê Nhất Thống Chí ghi chép trung thực) mang tính khoa trương, đe dọa, số quân có thể được bơm lên nhiều lần hòng làm cho đối phương sợ vỡ mật mà tự thua. Con số này hoàn toàn không đáng tin cậy.

Con số nhỉnh hơn 1 vạn được lấy từ một số sách Tàu. Đại Thanh thực lục chép số quân là 1,5 vạn, An Nam ký sự (Càn Long) chép là hơn 1 vạn, Càn Long chinh vũ An Nam ký (Ngụy Nguyên) chép là 1,8 vạn. Cả Đại Thanh thực lục lẫn Càn Long chinh vũ An Nam ký đều nói quân Lưỡng Quảng của Tôn Sĩ Nghị là 1 vạn, phần chênh ra (5-8 ngàn) là đạo quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy. Những con số này chỉ khác nhau tí chút, đều thống nhất với nhau rằng quy mô của cuộc viễn chinh không lấy gì làm to. Nhưng nếu chỉ tính những con số này lại là hơi ăn gian. Ăn gian ở chỗ chính các sách này đều nói đó chỉ là bộ đội chính quy, chưa tính quân du kích (thổ binh, nghĩa dũng) và phu vận chuyển lương thực. Còn nếu tính cả những lực lượng này thì con số quân Thanh là hơn 10 vạn (Đại Thanh thực lục) hoặc mơ hồ vài chục vạn (Càn Long chinh vũ An Nam).

Về phía sử Việt, Đại Nam chính biên liệt truyện chép số quân Thanh là 20 vạn, nhưng lại không nói rõ con số này có bao gồm thổ binh, nghĩa dũng và lương binh hay không. Các nhà nghiên cứu lịch sử thời hiện đại, trên tinh thần đề cao anh hùng áo vải cờ đào, khi lấy Đại Nam chính biên liệt truyện làm nguồn dữ liệu cơ sở, đã ngầm định con số này chỉ là quân chủ lực, muốn tính số quân thực tế thì còn phải cộng thêm nhiều nhiều.

Chẳng hạn, Văn Tân, tác giả cuốn “Nguyễn Huệ- con người và sự nghiệp” (Hà Nội, 1967) đã kết hợp con số 20 vạn của Đại Nam chính biên liệt truyện với tư liệu trong Lê sử toản yếu, nói rằng mỗi lính có 3 lương binh đi kèm, để đưa ra con số 80 vạn quân Thanh. Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng trong “Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ” tuy không tính cụ thể như Văn Tân nhưng cũng khẳng định 20 vạn theo Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ là lục quân, chưa có các lực lượng hỗ trợ khác.

Băn khoăn trước sự chênh lệch quá đáng giữa 2 nguồn dữ liệu, sử gia Phan Huy Lê hy vọng tìm được một con số trung dung. Ông tìm được 1 bài chiếu của Quang Trung do Ngô Thì Nhậm chấp bút có câu “đem 29 vạn binh ra ngoài cửa ải” để khẳng định tổng số quân các loại của Thanh trên đất Việt là 29 vạn. Con số này không khó tin như 1 triệu hay 80 vạn, nhưng cũng dễ chịu hơn con số 1 vạn quân chủ lực, 10 vạn lương binh.

(Cavenui trình bày lại, dựa theo các thông tin lấy trong: “Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung”- Nguyễn Phan Quang, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2005)

(Còn nữa)

Quang Trung 1 - Cavenui

Quang Trung

Gần đây cuốn tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn bi hùng truyện bị nhiều người ở Bình Định phản đối vì chi tiết hư cấu Trần Quang Diệu ra hàng Nguyễn Ánh bị coi là xúc phạm nhân vật lịch sử. Em đọc lại vài cuốn sách về phong trào Tây Sơn của Nguyễn Huệ và thấy có quá nhiều những thông tin khác nhau. Ghi lại một vài…

1. Nguyễn Huệ- Nguyễn Lữ: ai là anh, ai là em?

Nguyễn Nhạc là anh cả thì đúng rồi, nhưng Huệ và Lữ ai là anh ai là em thì sử sách ghi lại không thống nhất.

Lữ là anh Huệ- đó là quan điểm của các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo…

Một số ghi chép của các giáo sĩ phương Tây cũng thiên về ý này. Đại loại, dưới Nguyễn Nhạc có 2 ông hoàng là Duc Ong Bai và Duc Ong Tam (đức ông Bảy và đức ông Tám), trong đó người hành quân ra Bắc, người đánh nhau với ông anh cả, vị bạo chúa đáng sợ ở miền Nam Kỳ Thượng theo những ghi chép này là Duc Ong Tam, người em thứ 8 của tiếm vương Nguyễn Nhạc, đức ông Bảy Nguyễn Lữ đương nhiên là anh.

Nhưng Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại xếp thứ tự mấy anh em Tây Sơn là Nhạc-Huệ-Lữ.

Ở Quy Nhơn dân gian truyền tụng nickname của mấy anh em Tây Sơn thửa hàn vi như sau: Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu gọi là Hai Trầu, Huệ là Ba Thơm, còn thầy tu đạo Hồi Bani là Tư Lữ. Tức là Huệ là anh.

Liệt kê những thông tin trái ngược này trong cuốn “Những khám phá về hoàng đế Quang Trung” (NXB Thuận Hóa, Huế, 1994), nhà nghiên cứu lịch sử Đỗ Bang thiên về giả thuyết Nguyễn Huệ là em. Ông lý giải, Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lúc 30 tuổi có 2 tướng giúp sức là Trương Văn Đa và Võ Văn Nhậm đều là con rể Nguyễn Nhạc. Nhạc còn có 1 cô con gái gả cho chúa Nguyễn Phúc Dương từ 1775. Khi Huệ 22 tuổi mà Nhạc đã có con đến tuổi lập gia đình thì có thể suy luận ra thành Nhạc phải hơn Huệ 15-20 tuổi. Từ đó suy ra Huệ phải là con út.

(còn nữa)