Sunday, September 30, 2007

Các điệp viên ít được biết đến - BBC Vietnamese - 1

Nhiều chuyên viên đang và từng làm trong ngành tình báo của Mỹ và Nga đến nói chuyện về kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến.

Có bảy buổi thuyết trình với bảy chủ đề lớn như: CIA ở Việt Nam, Chương trình Phượng Hoàng, Công nghệ và Tình báo, Cuộc chiến bí mật ở Lào, Hoạt động tình báo Nga và Việt Nam…

Một trong các diễn giả, Merle Pribbenow, đem đến hội thảo bài thuyết trình: “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.”

Merle Pribbenow, cựu nhân viên CIA và chuyên gia tiếng Việt, từng phục vụ ở Sài Gòn từ 1970 đến 1975. Sau khi rời khỏi CIA năm 1995, ông dành thời gian để dịch các sách lịch sử của Việt Nam và viết về cuộc chiến. Bộ lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam được ông dịch sang tiếng Anh, và được NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2002.

Trong bài thuyết trình ở hội thảo, Pribbenow mô tả ba nhân vật hoạt động cho ba cơ quan tình báo khác nhau: CIA, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam, và Tình báo Quân đội Liên Xô.

Được sự cho phép của tác giả, BBC xin giới thiệu hai phần trong bài thuyết trình, nói về Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) và Võ Văn Ba (người được gọi là điệp viên số một của CIA ở Việt Nam).

Điệp viên trong hàng ngũ thân cận Tổng thống Thiệu

Trong cuốn sách về sự sụp đổ của Sài Gòn, Decent Interval, cựu phân tích gia của CIA Frank Snepp, khi nói về cuộc tổng tấn công miền Nam năm 1975, đã dành sự công nhận đáng kể cho một người vô danh mà ông gọi là “điệp viên trong hàng ngũ thân cận của Tổng thống Thiệu.”

Theo Snepp, người điệp viên cộng sản này đã gửi cho Bộ Chính trị Bắc Việt nội dung cuộc họp tháng 12-1974 giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh để đưa ra chiến lược của miền Nam trước viễn cảnh quân đội Bắc Việt tấn công vào năm sau, 1975.

Sự mô tả của Snepp dựa vào một đoạn trong hồi ký Đại thắng Mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Dũng nói nội dung cuộc họp này đã được tình báo Bắc Việt lấy được.

Merle Pribbenow nhận xét cho đến ngày hôm nay, ngoài đoạn văn của tướng Văn Tiến Dũng, Hà Nội chỉ đưa ra thêm một tiết lộ khác liên quan bản phúc trình tình báo này. Tiết lộ đó nằm trong hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: Hồi ức”, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ấn hành năm 2000.

Trong hồi ký, tướng Giáp nói vào sáng ngày 12-12-1974, tình báo quân đội cho ông biết về những mệnh lệnh của Tổng thống Thiệu tại cuộc họp.

Cả hai nguồn chính thức của Hà Nội đều không cho biết ai là người cung cấp thông tin. Vậy nhà tình báo ấy là ai?

Kể từ khi kết thúc chiến tranh, Đảng Cộng sản đã công bố thông tin về nhiều điệp viên hoạt động bên trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong số các điệp viên nổi tiếng này, liệu có ai là người chuyển cho miền Bắc nội dung cuộc họp kể trên?

Nhà tình báo

Mạng lưới Vũ Ngọc Nhạ - Huỳnh Văn Trọng bị phá vỡ năm 1969. Một điệp viên cao cấp khác nằm trong ngành tình báo miền Nam, Đặng Trần Đức, thì đã trốn vào vùng căn cứ cách mạng sáu tháng trước ngày có cuộc họp tháng 12-1974. Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, và Đinh Văn Đệ, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội VNCH, cũng là các ứng viên. Tuy nhiên, cả hai không có khả năng tiếp cận nội dung cuộc họp này, trừ phi một nhân viên VNCH đã tuồn ra cho họ.

Theo giả thuyết của tác giả Merle Pribbenow, người điệp viên có nhiều khả năng nhất trong trường hợp này không phải là một sĩ quan miền Nam cao cấp, cũng không làm việc tại Phủ Tổng thống, cũng không nằm trong nhóm tùy tùng thân cận của ông Thiệu.

Tên người này là Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh). Sinh năm 1933 ở Sài Gòn trong một gia đình gốc Bắc, ông Minh làm hạ sĩ quan phụ trách tài liệu mật trong văn phòng của đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng.

Mặc dù nhân viên cấp thấp này không thể được dự cuộc họp trong Phủ Tổng thống năm 1974, nhưng biên bản và mệnh lệnh được đưa ra trong cuộc họp có thể đi qua tay người thư ký này. Bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân năm 2005 không nhắc đến cuộc họp tháng 12-1974, nhưng cho biết ông Ba Minh thường xuyên chuyển đi các loại thông tin tương tự, như kế hoạch của các quân khu miền Nam, nội dung trao đổi giữa tướng Cao Văn Viên với các viên chức Mỹ.

Bốn năm sau khi gia nhập quân đội VNCH, năm 1963 ông Minh được đưa vào làm tại văn phòng của tướng Nguyễn Hữu Có, và vài năm sau, ông chuyển lên văn phòng của Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên.

Năm 1973, sau Hiệp định Hòa bình Paris, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam tìm kiếm các nguồn tình báo mới. Có vẻ như liên lạc giữa họ và Ba Minh đã mất nhiều năm, và chỉ đến bây giờ, liên hệ mới được nối lại. Theo tài liệu của Việt Nam, sau khi được liên hệ, ông Minh nhanh chóng trở thành người báo tin thường xuyên và có giá trị.

Ông thức đêm để chép tay các bức điện, kế hoạch (vì lý do an ninh, ông không chịu sử dụng máy ảnh để chụp tài liệu). Từ đầu năm 1974 đến khi kết thúc cuộc chiến, Ba Minh đã chuyển cho phía cộng sản một khối lượng lớn các báo cáo quân sự.

Ngày 30-4-1975, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào trụ sở Tổng tham mưu trưởng, ông Ba Minh đã chờ họ tại đó. Ông trao chìa khóa phòng tướng Viên và trao lại các hồ sơ mật.

Sau này, ông Nguyễn Văn Minh được phong làm đại tá anh hùng tình báo, như một sự tưởng thưởng cho công trạng của ông vào những năm cuối của cuộc chiến.

No comments: