Saturday, September 08, 2007

Một ý kiến về cuộc chiến Việt Nam

(Nguồn :http://blog.360.yahoo.com/blog-PhhR6dw6cqN0Z_GhUaE6ny78?p=912)

Vince Phạm từ Hà Nội viết như sau: Tôi đọc BBC Vietnamese hàng ngày, và thường xuyên đọc cả những ý kiến độc giả. Thi thoảng, nếu có thời gian và cảm xúc, tôi cũng đóng góp ý kiến của mình.

Về quan điểm chính trị và lịch sử tôi nghĩ mình là một người cởi mở vì tiếp cận hàng ngày với những nguồn thông tin đa chiều về các vấn đề quốc tế và trong nước.

Với cuộc chiến tranh 1954-1975, do tôi sinh năm 1973 tại miền Bắc, nên có thể coi như không được chứng kiến gì. Gia đình bố hai bên bố mẹ tôi đều không mất mát gì về mặt nhân mạng trong cuộc chiến dù có những người đi bộ đội và vào chiến trường. Tôi viết bài này để thử đưa ra một số lý giải tại sao Việt nam Cộng hoà phải sụp đổ? Về chủ đề này, hàng trăm cuốn sách đã được viết. Hàng ngàn sự lý giải hay biện minh cho chiến thắng và thất bại đã được đưa ra.

Theo tôi, trong mọi cuộc chiến, luôn có ba yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến diễn biến và kết cục của nó. Đó là vũ khí (mọi chủng loại), con người (kỹ năng và tinh thần chiến đấu) và sự chỉ huy (vạch ra chiến lược, chiến thuật). Trong một vài dòng, tôi chắc chắn sẽ không nói được nhiều và vì vậy cũng không đảm bảo có được lập luận đầy đủ.

Tôi cũng sẽ không nói về hai yếu tố đầu (vũ khí và con người) mà chỉ muốn đưa ra một số nhận định về yếu tố thứ ba, sự chỉ huy hay sự lãnh đạo. Hy vọng nhận được sự phản hồi của những người quan tâm.

1. Lãnh tụ cộng sản đặt ra mục tiêu chiến đấu thuyết phục hơn: Những người Cộng sản Việt nam đã làm cho đa số nhân dân cả hai miền Nam Bắc hiểu, chia sẻ và ủng hộ mục tiêu chiến đấu của mình và quan trọng hơn là đã tạo được động lực để những người ủng hộ đường lối lãnh đạo của họ sẵn sàng xả thân. Nếu xét khẩu hiệu của lãnh đạo VNDCCH: "Đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc" và khẩu hiệu của lãnh đạo CNCH: "Chống Cộng sản, bảo vệ miền Nam khỏi sự xâm lăng của miền Bắc" thì người bình thường, bất luận quan điểm chính trị thế nào, cũng có thể thấy rằng lãnh đạo VNCH đã trao lá cờ chính nghĩa cho những người cộng sản.

Mục tiêu chiến đấu của VNDCCH và mặt trận GPMNVN cũng nhận được nhiều thiện cảm và ủng hộ của dân chúng trên khắp thế giới thậm chí ở cả nước Mỹ. Thử so sánh các vế thứ sau của hai khẩu hiệu với nhau. "Thống nhất Tổ quốc" so với "bảo vệ miền Nam khỏi sự xâm lăng của miền Bắc". Cùng là nòi giống người Việt, có chung lịch sử, ngôn ngữ, văn hiến lẽ nào lại có thể tồn tại hai tổ quốc miền Bắc và tổ quốc miền Nam? Trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của người Việt, ai cũng thấy rằng các lực lượng ly khai, cát cứ luôn đóng bị coi như những lực lượng ngáng trở, phi nghĩa còn lực lượng nhất thống tổ quốc luôn được những lực lượng tiến bộ, chính nghĩa. Những người nhất thống thiên hạ như Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung là anh hùng dân tộc, còn 12 sứ quân, chúa Trịnh chúa Nguyễn là những thế lực phong kiến hủ bại.

Còn nếu so sánh hai vế đầu với nhau kết quả còn rõ ràng hơn nữa. "Chống cộng sản" so với "đánh đuổi ngoại xâm". Cộng sản chỉ là một chủ thuyết, một khái niệm mới mẻ của thế kỷ XX trong khi giặc ngoại xâm lại là một kẻ địch rất thực và là một quốc nạn mà người dân Việt đã quen phải đối mặt. Người Mỹ từ bên kia địa cầu mang bom đạn tới bắn giết người Việt nam. Dù sứ mạng của họ có được tô vẽ như thế nào chăng nữa thì cũng sẽ làm cho đại đa số người dân Việt căm phẫn. Còn những người cộng sản Việt nam thì luôn là người Việt nam. Chống Cộng sản là chống lại những người cùng nòi giống.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC có nói rằng hầu như mỗi gia đình miền Nam cũng đều có thân nhân nằm ở hai phía của cuộc chiến. Vậy thì liệu khẩu hiệu "chống Cộng sản" liệu có làm cho người dân sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì nó? Tôi chợt nghĩ chuyện gì xảy ra nếu lãnh đạo VNDCCH thay vì nói rằng "đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược" lại nói rằng "chúng ta chiến đấu để chống lại sự bành trướng của giai cấp tư sản"?

2. Vì lãnh tụ cộng sản có tiền sử là những người yêu nước: Lãnh tụ cộng sản những người từng ngồi tù dưới chế độ thuộc địa vì những đấu tranh cho độc lập của tổ quốc. Họ từng bôn ba hoạt động tại hải ngoại, từng giành chính quyền từ tay phát xít nhật và thành lập một nhà nước độc lập đầu tiên tại Đông Nam Á, từng sống trong rừng núi để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân. Họ tiếp tục sống trong bưng biền lam chướng để lãnh đạo cách mạng. Họ hy sinh bản thân nhiều và khi nắm quyền thì sống một cuộc sống thanh đạm.

Còn lãnh tụ VNCH, họ không có tiền sử yêu nước chống ngoại xâm. Nhiều người trong số họ thậm chí còn từng là sĩ quan do Pháp đào tạo hay tệ hơn từng cầm súng trong quân đội thực dân. Họ sống vương giả với tiền lương lấy từ viện trợ Mỹ. Nhiều người trong số họ tham nhũng, buôn lậu, mua bán quyền lực và thực chất là chính khách sa lông. Theo các bạn thì người dân Việt nam vào những thập kỷ 60 và 70 với đại bộ phận là những người nông dân chân chất và ít học, sẽ có xu hướng tin và đi theo tập đoàn lãnh đạo nào hơn?

3. Lãnh tụ cộng sản đoàn kết, lãnh tụ VNCH chia rẽ: Cộng sản Việt nam là những người kỷ luật ghê gớm, thậm chí đến mức hà khắc. Họ cũng rất phục tùng tổ chức. Ngoài việc cùng chung lý tưởng, những người lãnh tụ cộng sản Việt nam trong cuộc chiến là một tập thể đã cùng nhau vào sinh, ra tử và tôi luyện trong đấu tranh. Sự đồng lòng của họ tạo nên một sức mạnh lãnh đạo tập thể, đoàn kết và thống nhất. Còn các lãnh tụ VNCH thì phe cánh và có bị chi phối bởi quyền lợi cá nhân hoặc phe nhóm. Họ đảo chính nhau luôn luôn và nhiều khi sẵn sàng vì tư lợi mà có những hành động ảnh hưởng đến đại cục của họ.

4. Lãnh đạo cộng sản có chiến lược và chiến thuật tốt hơn: Những người cộng sản thực sự có trong tay những vị tướng tài ba ở đẳng cấp thế giới. Họ thể hiện sự vượt trội về chiến lược và chiến thuật trên nhiều khía cạnh của cuộc chiến như công tác tình báo, công tác dân vận, chiến tranh du kích, phối hợp đấu tranh vũ trang và chính trị, phối hợp đấu tranh công khai và đấu tranh bí mật, phối hợp giữa chiến trường và bàn đàm phán, tiến quân thần tốc, nghi binh,... Quân đội VNCH có thể thắng ở một trận đơn lẻ chứ không thể thắng trong cả cuộc chiến.

No comments: