Tuesday, February 06, 2007

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng 2

Khi nhìn mặt những người xung quanh mình, tự nhiên tôi cảm giác cuộc sống của họ còn được bao nhiêu. Vài tháng, tôi đi lăng nhăng, thấy ai sắp chết là tôi nói cho họ biết, không ít lần bị ăn đòn, ăn chửi. Trong làng có ông Vũ Văn Trác nhà ở gần trường học, mới hơn 50 tuổi, khỏe mạnh, quý tôi, đi đâu về nhìn thấy cũng bảo “Chào cô giáo ạ!”, cái gì có cũng cho tôi. Tôi là con nhà giáo, ngày nhỏ học rất giỏi. Một hôm, tôi nhìn ông bảo: “Ông ơi, chắc là ông sắp chết rồi. Thôi ông đừng đi làm nữa cho khổ! Ông về đi!”. Ông sững sờ:” Cô giáo nói tôi cái gì đấy?”. “Cháu bảo là ông sắp mất rồi, đừng đi làm nữa!”. Sẵn cái roi đánh trâu đi cày về, ông quay lại:” À, tưởng là con cô giáo mà tao không dám đánh à? Bố mày có là đại tá, chứ là đại tướng thì hôm nay tao cũng phải cho mày một trận, láo toét!”. Tất cả mọi người ở làng hai bên đường chứng kiến ông này rất quý con bé này sao hôm nay lại đuổi đánh nó dữ dằn thế. Tôi vừa chạy vừa quay lại bảo: ”Không, ông chết thật mà.” Đến nhà, ông nội tôi chắp tay: ”Tôi lạy ông! Cháu nó bị dở dở ương ương, nhà tôi đã khổ lắm rồi. Thôi, ông đừng làm cháu khổ thêm nữa, ông đừng đánh nó, ông biết nó hâm rồi mà.” Ông kia quyết không tha: “Tại sao nó rủa tôi sắp chết? Tôi không tha cho con này, tôi phải đánh cho nó một trận.” Ông đánh được mấy cái, tôi đau, tức, khóc những vẫn bảo: “Cháu bảo ông chết thật rồi ông không tin cháu à? Thử mấy ngày nữa thì sẽ biết, chỉ từ nay đến 15 tháng 7 thôi…”. Cuộc sống cứ như thế trôi qua, đến ngày truyền thanh 3 cấp của xã đọc tin cáo phó cụ Vũ Văn Trác chết hồi 2 giờ chiều ngày 15/7, cả làng ngã ngửa ra. Thời gian tôi nói và thời gian ông mất quá gần.

Tiếp đến là chú Bùi Văn Chai (Trai?), chủ nhiệm hợp tác xã thêu xuất khẩu xã Khánh Hòa nơi tôi sống, bạn rất thân của mẹ tôi. Đó là năm 1989. Tôi bảo chú, giữa hội trường ủy ban nhân dân xã, rất nhiều người chứng kiên, đến tháng giêng là chú chết đấy, có bao nhiêu hợp đồng xuất khẩu chú bàn giao lại hết đi, nếu không đến lúc đấy chết lại không kịp. Chú nói: “Anh chị phải về dạy bảo con. Cứ để nó luyên thuyên như thế là không được.” Đầu tháng giêng, chú bị đau bụng, đi khám bệnh và được phát hiện bị hoại tử đường ruột. 24 tháng giêng chú mất. Người ta bảo tôi bị ma ám, nói ai là người ấy chết, tốt nhất là tránh đi.

Bố mẹ tôi, ông tôi, tất cả người thân trong gia đình đều đau khổ. Mẹ tôi là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, các phụ huynh học sinh trước đây rất tin tưởng phấn khởi cho con học lớp mẹ tôi, giờ lại tự động chuyển con sang lớp khác. Tôi ra sức thuyết phục gia đình, tôi hoàn toàn bình thường, những cái đó là tôi nhìn thấy thật, nhưng không ai tin, kể cả bố mẹ. Sau đó, tôi được đưa đi hết bệnh viện này bệnh viện khác, khám thần kinh rồi đủ thứ, đưa đi ông thầy nọ bà thầy kia cúng bái, chuyển mộ.

Tôi phán đoán được tình trạng sức khỏe người ta như thế nào, rồi phán đoán được suy nghĩ của người ta. Tôi ước gì một ngày nào đấy ngủ một giấc dậy quên khả năng ấy đi. Nhiều người suy nghĩ rất tốt, nhưng những suy nghĩ xấu xa lại nhiều hơn.

Tôi ao ước nhìn thấy bà nội và bà ngoại, những người tôi yêu quý. Bà nội tôi mất lúc tôi mới 10 tuổi, hình dáng tôi vẫn nhớ. Đúng ngày giỗ bà nội mồng 6 tháng 10, tôi thấy bà nội về, mang theo 2 đứa trẻ, một đứa đang bế, một đứa dắt tay. Ông nội tôi bảo đó là 2 đứa con của ông, đã mất lúc 8 tháng và 3 tuổi, thế này thì không thể không tin lời tôi. Có lẽ trời cho ăn lộc hay thế nào đây?

Làng tôi có ngôi chùa bà Huyền Trân Công Chúa đã tu. Ở Chiêm Thành về, bà không lấy chồng nữa mà về tu ở đấy. Gia tộc họ Trần, ông Trần Thái Tông và một số công thần nhà Trần cũng về đấy. Cả một bãi rộng mênh mông mà bây giờ là sân vận động bóng đá từng gọi là Mả Nhà Trần. Tôn thất nhà Trần chết đi đều chôn ở khu vực này. Nhà ông chú ruột tôi ai cũng bị bệnh kỳ lạ, teo một bên chân, ngoẹo một bên đầu, hoàn toàn về bên phải. Tôi bảo chú, ngày xưa tôi chơi ú tim trẻ con buổi tối rất hay nhìn thấy bóng người trong vườn nhà chú. Hai chú cháu ra đào bới, thấy một lớp ngói, như ngói lợp của một cái lăng lâu năm đã mục, gạt ra thấy một lớp đất đỏ, gạt lớp đất đỏ thấy một cỗ quan tài đồ sộ. Người ta nghiên cứu lớp vỏ bên ngoài là vỏ hến, vôi, mật trộn lẫn với nhau, không phải bê tông nhưng vô cùng rắn. Bên trong có một quan tài chạm trổ óng ánh rất đẹp, bật nắp ra thấy hình một người đàn ông nằm dọc, nước vàng khánh. Tôi là người đầu tiên nhảy xuống thò tay sờ thấy tan hết ra toàn xương người với những đồng tiền, một vài vật dụng linh tinh. Ủy ban xã vào lập biên bản, cán bộ văn hóa đến làm việc. Ở cơ quan cấp huyện, cấp xã, họ cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó. Ngôi mộ được xác định là của một ông tướng đời Trần, có thể cách đó khoảng 700 năm. Tôi rất tiếc, nếu ngày ấy nhận thức của tôi sâu hơn, rộng hơn một chút, báo cho cơ quan văn hóa tỉnh, khảo cổ ngôi mộ sẽ thu lại rất nhiều di vật. Rốt cục, những con chó đá, những vật nhỏ xíu trong quan tài, mỗi người đến xem lấy một thứ. Những đồng tiền bị bốc đi, mài, bẻ vì tưởng là vàng, nhưng nó là hợp chất gì đó, chẳng phải đồng, chẳng phải vàng, hình tròn, đục lỗ xuyên vào nhau.

Sau sự kiện trên, đến nhà nào tôi cũng hỏi có mất mộ không, hễ mất tôi xin tìm giúp. Dân làng cũng thử nhờ tôi xem sao. Sau vài lần tìm thấy, người ta gọi tôi là “cô”, thấy tôi đi qua bèn chắp tay “Lạy cô ạ”, “Xin cô”.

Chính bản thân gia đình tôi cũng mất mộ cụ tứ đời, bao nhiêu lần bố tôi đưa cả đại đội bộ đội về đào mà không thấy. Đúng ngày giỗ cụ 12 tháng tư, tôi thử đi tìm. Trớ trêu, ngôi mộ nằm trên đường đi, tôi rủ thêm người anh trai ra đào. Mấy chú bảo vệ ở xã nhìn thấy bảo: Con ông bộ đội đi ra phá đường. “Không, cháu nhìn thấy có mộ ở đây”. “À, thế thì đem xẻng cuốc ra đây thử đào xem con dở hơi này nó nói có đúng không?”. Sâu gần 2 met, tôi với tay lên mới tới mặt đất thì thấy một tấm bên trên khảm chữ không đọc được. Hai anh em đem rửa, cả họ đang ăn cỗ. Ông nội tôi hơn 80 tuổi được gọi, chạy ra đến nơi, đọc một bên là “Ẩm thủy quy nguyên”, một bên là “Vinh quy bái tổ”. “Đúng mộ ông nội tôi đây rồi”, ông lăn ra khóc.

Hồi đó, rất đông người đến nhờ tôi nhưng bị bố tôi đuổi. Bố tôi thậm chí xin nghỉ công tác ở nhà canh con gái, sợ nó làm việc gì không phải với bà con làng xóm. Từ đây tôi bớt bị sự kìm kẹp của bố tôi.

Đấy cũng chỉ là một phần rất nhỏ những ngày đầu tiên tôi có khả năng. Tâm trạng gia đình, bản thân tôi, của thầy cô bạn bè khó tả lắm, cho đến vài năm sau còn chưa hết ngỡ ngàng. Khi tôi tìm thấy cụ tứ đời, tìm cho bà con trong làng, mọi người xác nhận đây là khả năng có thật, không phải luyên thuyên, không phải hoang tưởng di chứng bị chó dại cắn.

Trước đấy, mọi người còn bảo tôi học chuyên, học nhiều nên bị ngộ chữ. Tôi xin bố mạnh dạn cho tôi đi thi, xem con có học được không, nếu con quên hết kiến thức văn hóa, bảo con thần kinh thì con chịu, nếu không bố phải cho con học, không được giữ con ở nhà. Bố tôi đồng ý. Là dân khối xã hội, nhưng cố tình chứng minh cho bố, tôi quay ngoắt sang thi khối A, Đại học kinh tế quốc dân. Tôi chỉ có 15 ngày, từ lúc thuyết phục được bố cho đến khi tôi thi. Quá quyết tâm, tôi đỗ với kết quả không ngờ, gần 24 điểm.

Trong thời gian đi học, tôi cũng có làm cho rất nhiều người, ví dụ các thầy các cô ở các trường đại học biết. Bố tôi ra điều kiện, ai đến nhờ, để lại cho ông chứng minh thư hoặc sổ hộ khẩu, đưa tôi đi, phải có một người đi theo, làm việc xong đưa tôi về nhà báo cáo kết quả xong ông trả lại. Sau khi xin nghỉ hưu, bố tôi được bầu làm bí thư đảng ủy xã, chủ tịch hội cựu chiến binh. Nhà tôi đông khách kinh khủng, xã bực mình, đem bố tôi ra kiểm điểm, kỷ luật, định khai trừ khỏi đảng. Trong một năm ở nhà, tôi cũng làm trưởng ban tổ chức thiếu niên nhi đồng, phó bí thư xã đoàn, sau đó lên bí thư xã đoàn. Tôi học đối tượng đảng, thi rất xuất sắc được 10 điểm, nhưng không ai cho kết nạp đảng vì mê tín dị đoan. Khi đưa bố tôi ra kỷ luật, tôi xin gặp ủy ban kiểm tra đảng, những người làm quyết định kỷ luật, nói: Tôi đã 18 tuổi, đủ tư cách pháp nhân và năng lực hành vi để chịu mọi trách nhiệm về hành động của mình. Không có lý do nào việc tôi làm bố tôi phải chịu. Mà tôi là quần chúng trong đoàn thể thôi, không phải đảng viên. Nếu tôi là đảng viên, bố tôi là bí thư chi bộ thì rõ rang kỷ luật bố tôi. Thế là người ta yêu cầu tôi làm gì đó để chứng minh tôi có khả năng thực sự đem lại lợi ích cho quê hương làng xã.

Hồi đó, tôi đang cộng tác với Viện Khoa học thể dục thể thao, do bác Nguyễn Văn Cừ làm viện trưởng. Bác Cừ, một số anh trong ban quản lý di tích lịch sử, nhất là anh Nguyễn Văn Chiến, trợ lý của bác Cừ,cầm máy ghi âm theo tôi nhiều lần để nghiên cứu. Anh Chiến rất giỏi tử vi, một chân hơi tập tễnh vì bị tật từ nhỏ. Ở Bộ văn hóa có chú Phí Đình Thiệm, cô Hoàng Thị Vân và nhiều người ủng hộ nhiệt liệt, về động viên bố mẹ tôi. Bố tôi bảo, nếu các bác các chú tin cháu nó có khả năng thì cứ việc nghiên cứu nhưng phải lưu lại trên báo cáo giấy tờ để sau này có cái trình bày với các cơ quan đoàn thể.

Tôi đi cộng tác trong thời gian khá dài, khoảng 6 tháng. Tôi xin các bác các chú cho người giúp tôi về khảo sát lại di tích lịch sử chùa Dầu quê tôi từ đời nhà Trần, 700 năm nay. Tôi về khám phá, kiểm nghiệm thông tin, nói chuyện, tiếp xúc với những nhân vật đã xây dựng chùa, tất nhiên là chết cách đây 700 năm rồi, trong đó có cả bà Phan Thị Vinh, nhũ mẫu của Huyền Trân Công Chúa, họ nhiều đời của nhà tôi. Chùa bị giặc Pháp đốt, phá tan tành, những bát hương đá bị vùi xuống đất. Người xưa cho tôi biết tòa sen như thế nào, bát hương ra sao, có bao nhiêu sắc phong chứng chỉ từ các đời vua. Những gì tôi thu thập được xác nhận hoàn toàn đúng bởi ban văn hóa. Huyện trình lên tỉnh, tỉnh trình lên bộ. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Kết quả để bố tôi không bị kỷ luật đảng chính là những thông tin tôi mò mẫm lấy được từ cõi âm.

No comments: