Tuesday, February 27, 2007

Sài Gòn giàu - nghèo chấm phá

Thu nhập bình quân của dân Việt Nam năm 2006 theo ước tính khoảng trên 700 USD/người/năm (chính xác là 715 USD). Mặt bằng chung là vậy, tuy nhiên trên thực tế, ở nước ta, số người có thu nhập hàng năm dưới 200 USD cũng không ít.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến chuyện giàu nghèo. Nhưng giàu đến mức nào và nghèo ra sao thì ít người nắm chính xác, chỉ mơ hồ thấy rằng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn.

Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng phác thảo vài mảnh sáng - tối, giàu - nghèo trong một số bộ phận người dân Sài Gòn, để nhìn được rõ hơn mặt trái của quá trình chuyển đổi nền kinh tế và hiểu hơn về đời sống người dân qua các mảng thu nhập, nhà ở và chi tiêu của họ.

Giàu “nứt đố đổ vách”?

Bạn tôi bảo: “Ở Hà Nội có câu lạc bộ (không chính thức, họp tự phát) mà tên gọi đi đôi với thu nhập: “Câu lạc bộ bốn mươi triệu”. Điều kiện để là thành viên của câu lạc bộ này là những người làm ăn chân chính. Buôn bán, sản xuất hay viên chức khoa học..., mặc kệ, chỉ cần có thu nhập hàng tháng là 40 triệu đồng trở lên (bằng 40 lần thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện tại).

Nhóm này nghe nói chơi với nhau không phải theo dạng nhà giàu tập hợp ăn chơi, mà là chia sẻ công việc, kinh nghiệm để nhắm tới việc đổi tên nhóm theo hướng... tăng số (50 triệu, 60 triệu, chẳng hạn)”.

Thấy tôi còn nghi ngờ trước thông tin này, tay bạn kỹ sư xây dựng thuộc tuýp “1 triệu một ngày” (thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng) này cười ruồi : “Chuyện đó nhỏ, ở ngay thành phố mình, chỉ không có câu lạc bộ thôi chứ khối đứa có thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng, làm ăn chân chính!”. Tôi hỏi ngay: “Ca sĩ ? “. Trả lời : “Không, đó chỉ là thiểu số... sao xẹc và không bền”. “Vậy thì mấy doanh nhân cỡ... gạch, bánh ngọt, gỗ...? “. “Cũng không, ai lại lấy đại gia làm ăn lớn ra mà ví dụ, những người bình thường thôi”.

Thấy tôi vẫn còn... ngớ người, tên bạn nối khố đã giúp tôi, một đứa chỉ có thể gia nhập câu lạc bộ...triệu rưỡi/tháng, làm quen với một số người ăn nên làm ra là bạn hắn.

C. (vì để giữ cho người được đề cập trong bài thuận lợi trong làm ăn, theo yêu cầu của họ, chúng tôi tạm viết tắt tên) là một thợ bạc có thâm niên 12 năm, C. chỉ mới 32 tuổi, chưa vợ, hiện là chủ một cơ sở gia công đồ nữ trang, chủ yếu là vàng 18K , vàng trắng và bạc. Cơ sở của C. nằm trong một con hẻm nhỏ ở Gò Vấp, có 20 thợ làm công nhật. Hiện sản phẩm của anh phần lớn gia công theo đơn đặt hàng của các chành (dân buôn sỉ ở các tỉnh).

Thu nhập hàng ngày C. không nói chính xác nhưng “trừ chi phí cũng còn đôi ba triệu anh ạ!”. C. làm việc quần quật, chạy ngoài đường suốt ngày để liên hệ mối lái, rồi trông coi thợ, nhiều đêm làm hàng gấp, anh cũng ngồi vào bàn làm với thợ.

Nói chung, như nhận xét của anh bạn kỹ sư : “Nó giàu bởi chịu khó, có tiền nhưng rất cực. Làm ăn cực kỳ uy tín và tất nhiên rất chân chính !”.

So với C., K. có thu nhập không thua kém nhưng ít vất vả hơn. Anh này vừa là chuyên viên kiểm toán của một công ty tài chính, lương không dưới 2.000 USD/tháng, lại vừa là chủ của khoảng chục cái đại lý bưu điện. Như vậy, theo K. tiết lộ, chỉ riêng thu nhập hàng tháng từ các đại lý bưu điện đã có thể giúp anh gia nhập vào “Câu lạc bộ sang trọng gì đó ngoài Hà Nội”. Bạn có thể tính ra thu nhập của một cử nhân kinh tế mới 30 tuổi này rồi chứ?

C. và K. là các ví dụ về việc tự thân vận động, một mình gột bột nên hồ. Có những gia đình, việc tổ chức kinh tế trong nhà được cả nhà bắt tay cùng làm và đã gặt hái nhiều thành quả.

Ông V., chủ một nhà máy xay xát gạo ở Bình Chánh, có các cơ sơ khác ở Tiền Giang, Đồng Tháp là điển hình. Vợ chồng ông và ba người con trai, hai người con gái chia ra quản lý các cơ sở này. Thu nhập tổng cộng, theo người trong giới, không dưới 50 ngàn USD /tháng. Coi như mỗi thành viên trong nhà đều có thể tham gia “CLB 100 triệu”, nếu có và nếu thích.

Có một lớp người ở nước ta mới giàu lên sau giai đoạn mở cửa kinh tế, đây là thực tế. Những người này được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ làm giàu chân chính, chuyện này không ai than phiền và có ý kiến. Nhưng song song đó, cũng có một bộ phận không nhỏ những người dân vì kinh tế thị trường, vì áp lực phát triển xã hội mà không ngóc đầu lên được. Họ vô tình bị gạt ra khỏi guồng máy kinh tế, đúng hơn là bị đào thải để tạo lối bước cho những người có điều kiện đi qua theo các quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Nói cách khác, họ bị loại trừ bởi chính những người hôm qua còn là đồng nghiệp, là bạn hàng, là anh em... của họ bởi các yếu tố kinh tế tác động.

Trớ trêu thay, những người đẩy người khác ra ngoài vòng chu chuyển phát triển đôi lúc cũng không hay biết hoặc không ngờ đến, và đôi lúc, lại tới lượt họ bị loại trừ ngay ngày mai.

Nghèo “tận cùng tận số”

Chủ tịch UBND một phường ở Tp.HCM nói với tôi: “Anh có tin là hiện nay vẫn còn chuyện có gia đình đến bữa vẫn xách rá đi mượn gạo không?”. Trả lời : “Tin”.

Người bạn làm công tác phong trào ở Cần Giờ kể: “Có nhà hiện nay mỗi ngày vẫn còn trông chờ vào con cá, mớ ốc mà người cha, người chồng đi câu, đi chài mang về đổi gạo”. “Cũng tin”.

Ở “Xóm Việt kiều” (Bình Chánh, Tp.HCM), có những cảnh nhà, hai bà cháu mỗi ngày chỉ sống dựa vào 5-10 ngàn đồng đi lượm ve chai kiếm được. ở “Xóm mù” Bình Hưng Hòa, hiện vẫn có vài bà lão không đi làm (bán vé số) nổi, sống dựa vào lòng hảo tâm của những người đồng cảnh ngộ trong xóm.

Ở “Xóm thuê nhà” mé sau ga Bình Triệu, nơi người ta sống nhờ khai thác “mỏ”... sắt vụn ở mé chân cầu Bình Triệu (nơi đây ngày trước là nơi sửa chữa tàu, có nhiều gỉ sắt đóng lớp dày dưới lòng đất theo năm tháng). Đây là vài “điểm nhấn” của cuộc sống bà con trong những xóm nghèo còn tồn tại ở thành phố lớn nhất nước này.

Đi sâu vào từng hoàn cảnh của người nghèo Sài Gòn, dễ dàng nhận ra, phía sau những phồn hoa, đô hội..., vẫn còn nhiều các cuộc đánh vật giữa mồ hôi và cái bao tử hàng ngày để mưu sinh, để đổi miếng cơm, để không bị đào thải bởi sự phát triển lạnh lùng của kinh tế thị trường.

Chị Xuân, bán xe đẩy trái cây trên đường Pasteur bảo: “Chỉ cần có 1 triệu làm vốn, tui sẽ có thu nhập tăng gấp 2-3 lần bây giờ và làm... bà chủ”. “Vậy là thế nào? “, tôi thắc mắc và đã tìm được ngay câu trả lời : chị đang đi bán thuê cho một ông chủ của hơn chục xe trái cây thế này, vốn liếng của người ta, công nhật 15 ngàn đồng/ngày. Chỉ cần 1 triệu, chị có thể tự thân vận động làm chủ công việc của mình.

Ra thế, cái giá của sự đổi đời quá thấp nhưng đã ngoài vòng tay với của không ít người nghèo. Tương tự chị Xuân là bà cụ 73 tuổi không con cháu bán xôi dạo trên đường Nguyễn Kiệm, bà mơ ước có được 500 ngàn “thế chân” cho một chủ nhà mặt tiền, để thuê được một chỗ ngồi buổi sáng bán xôi, giá 100 ngàn đồng/tháng.

Mà cũng phải, quy luật mạnh được yếu thua đang len lỏi vào tận từng ngóc ngách của cuộc sống người nghèo. Trở lại chuyện chị Xuân mơ làm bà chủ xe đẩy trái cây ở đường Pasteur kể trên, một “đồng nghiệp” cũng bán thuê như chị nói nhỏ với tôi sau khi nghe câu chuyện: “Nói vậy chứ chị ấy ra bán riêng là ... chết chắc. Người ta vốn mạnh, mua sỉ cho mình bán lẻ, cò con mà ra, không cạnh tranh nổi giá thì có nước... ăn cho hết. Đó là chưa nói, lơ mơ không biết “đường đi nước bước” thì vài ngày là bị hốt xe ngay...”.

Sống bình thường nhưng đừng biến động

Chúng ta vừa điểm qua một số hình ảnh của hai lớp người có khoảng cách xa nhất (nói về thu nhập) ở thành phố, đó là những người có thu nhập hàng chục ngàn USD và những người có thu nhập chỉ chừng 1-2 trăm USD mỗi năm. Thế thì lớp người ở khoảng giữa, lớp người “thường thường bậc trung” đang sống thế nào?

Anh L. và chị H. ở Gò Vấp. Anh là công nhân cơ khí, chị cũng công nhân nhưng ngành dệt. Tổng thu nhập của cả hai người khoảng 5 triệu đồng/tháng. Anh chị có 2 con nhỏ, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ 4 tuổi gửi nhà trẻ. Vị chi, thu nhập bình quân đầu người của gia đình anh chị là gần 1.000 USD/năm, lớn hơn con số bình quân đầu người cả nước nhưng nhỏ hơn con số bình quân đầu người thành phố.

Chi tiêu mỗi tháng của anh chị gồm tiền ăn: 2,5 triệu đồng; tiền học cho 2 con: 1 triệu đồng; tiền điện, gas, nước, điện thoại, rác: 500 ngàn; tiền xăng: 300 ngàn, còn lại 700 ngàn để lo áo quần, giày dép, lễ nghĩa..., nói chung là phải chắt bóp và... "cấm bệnh nặng". Những tháng cuối năm có đám tiệc nhiều là khoảng thời gian chật vật của anh chị, lúc này trong kế hoạch chi tiêu bị bỏ đi phần mua sắm quần áo, nón mũ cho cả nhà.

Trong kế hoạch chi tiêu khít khao của một gia đình được coi là có thu nhập tương đối và công việc ổn định này, chúng ta không thấy phần của các nhu cầu bình thường khác như mua sữa cho con, giải trí cuối tuần, mua sách báo... Gay go hơn là không có khoảng ngân quỹ dự phòng để xoay xở lúc ốm đau, bệnh tật, tai nạn. Và cũng chẳng tìm ra kế hoạch mua nhà, mua xe, sắm tiện nghi...

Với ngân sách gia đình này, chỉ cần một đột biến hay thay đổi nhỏ trong chính sách quản lý nhà nước là có thể tạo khủng hoảng kinh tế cho họ. Ví dụ tăng giá xăng dầu, tăng giá điện, giá gas, giá nước...hay buộc mua phí bảo hiểm, mua nón bảo hiểm.

Nói như vậy để thấy rằng, trong các điều tiết xã hội để quản lý, để tạo sự phát triển..., Nhà nước phải tính toán đến tình hình chung này. Bởi, các mẫu gia đình thu nhập ổn định dạng như vừa kể là rất phổ biến ở các đô thị hiện nay.

Theo Lê Hữu Tuấn

No comments: