Tuesday, December 19, 2006

Quang Trung 5 - Cavenui

Đô đốc Long là Long nào?

Trong entry trước em có viết rằng thuyết của GS Phan Huy Lê chỉ là thuyết được công bố một cách hoành tráng sớm nhất về viên tướng đánh trận Đống Đa chứ không phải là thuyết ra đời sớm nhất. Trước ông, vào đầu thế kỷ, đã có 1 thuyết khác, nhưng không được phổ biến rộng rãi bằng.

Ông nghè Nguyễn Trọng Trì (1854-1922), một trí thức địa phương không mấy nổi tiếng sống ở Bình Định buổi bàn giao giữa 2 thế kỷ có viết 1 cuốn sách tên là “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện”. Trong số các tướng miền trung theo Quang Trung ra Bắc đánh Thanh có ông Đặng Văn Long, người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Em không có điều kiện đọc sách này, nhưng trong các cuộc tranh luận về đô đốc Long, người ta có chép lại một đoạn văn của nghè Trì về viên tướng như sau:

“Đặng Văn Long tự là Tử Vân người thời Tây Sơn, quê huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Lúc nhỏ học võ, rất tinh thông môn trường quyền… Long thông minh vô cùng có nhiều phát minh về nguyên lý của miên quyền, trong rừng võ gọi Long là Đặng Vô Địch; lại thấy nằm dưới đất dùng cánh tay chặn được bánh xe nặng nên gọi là Thiết Tí Đặng (Đặng tay như sắt).

Nguyễn Huệ phá giặc Thanh, Văn Long tự thị nghiêu dũng, muốn lập công lạ, bèn mặc áo trắng cầm kích, lưng đeo cung dài hét to, xông vào trước. Đến nơi nào giặc cũng không chống nổi… vua đặt ban cho hai con ngựa và 40 xấp lụa. Tục truyền là Bạch Y tướng quân (tướng quân áo trắng)

Năm Cảnh Thịnh thứ 2, dư đảng nhà Lê vào cướp Thăng Long, Văn Long nhiếp chức Tả võ uy tướng quân An Đông đạo kinh lượt, giữ trách nhiệm ở chốn biên phòng nhiều phen lập chiến công, được phong chức tả võ lâm quân Đại tướng quân…”.

Nếu chỉ dừng ở đoạn trích dẫn này thì ông nghè Trì không viết thẳng về trận Khương Thượng-Đống Đa. Nhưng cái tên Long khiến nhiều người (trong đó có nhóm bè bạn bác Bùi Thiết) đặt giả thiết: đô đốc Long= Đặng Văn Long.

Bình luận về sách Tây Sơn lương tướng, sử gia Tạ Chí Đại Trường (sử gia hải ngoại, nhưng đã có 2 cuốn sách được in trong nước, cuốn thứ 2 mới in ở NXB Công an nhân dân viết về lịch sử nội chiến thời Tây Sơn) cho rằng với vị thế 1 trí thức nhỏ ở tỉnh lẻ, ông nghè Trì không có điều kiện tìm đọc nhiều sách sử, rất có thể chưa hề nghe thấy tên “đô đốc Long” trong cuốn sách Hoàng Lê nhất thống chí lúc đó chưa phổ biến rộng rãi. Nên không có chuyện ông nghè cố tìm 1 người tên Long để giải bài toán đô đốc Long, mà chắc chắn phải có những cơ sở nào đó ở địa phương để ông lăng xê ông Đặng Văn Long này.

Éo le thay, Đặng Văn Long không phải là tướng Long duy nhất được các nhà nghiên cứu địa phương đưa ra. Search cụm từ “đô đốc Long” trên mạng, em còn tìm ra 2 ông Long nữa. Đủ cả tam Long: Thăng Long, Hạ Long và Tân Long…

Trong 1 tạp chí của Sở VHTT Quảng Ngãi số xuân Đinh Sửu 1997, ông Hồng Nhân (nguyên giám đốc sở VHTT Nghĩa Bình và Quãng Ngãi) cho biết “đô đốc Nguyễn Tăng Long, người làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ huyện Sơn Tịnh, một trong những danh tướng góp công đại phá quân Thanh ở Thăng Long năm 1789”. Lý do ông Hồng Nhân tiến cử Nguyễn Tăng Long, ngoài những câu chuyện ở địa phương, còn là 1 bản sắc phong của Cảnh Thịnh ban cho ông này chức đô đốc, ở quê gọi là đô Miên. Điều đáng tiếc là bản sắc phong cũng không còn (“đã bị bom đạn Mỹ đốt cháy năm 1967”?) , nội dung của nó là do các cụ trong làng kể lại.

Ngoài Long Bình Định và Long Quảng Ngãi, tướng Long thứ 3 quê ở Quảng Nam tên là Lê Văn Long. Ông này là con trai Thủ Tài hầu Lê Văn Thủ cũng theo Nguyễn Huệ từ sớm. 1 sắc phong của Quang Trung phong cho ông chức võ tướng hữu quân đô đốc vào ngày 5 tháng 2 Quang Trung năm thứ 2, tức là không lâu sau chiến thắng Kỷ Dậu càng khiến người ta tin rằng ông là đô đốc Long (từ thời gian khen thưởng suy luận ra công trạng mới lập trước đó hẳn là công chống Thanh, chức hữu quân rất hợp với chức hữu quân của đô đốc Long trong sử).

Tóm lại, cả 3 ông Long đều có cơ sở để được đề cử vào “danh hiệu” đô đốc Long, nhưng cả 3 ông, cũng như ông Đặng Tiến Đông ở Hà Tây, không ông nào đủ mạnh để chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đua.

Trong 3 tướng Long, ông Đặng Văn Long là người nổi tiếng nhất. Cuốn “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn, Quách Giao ngả theo thuyết đô đốc Long là ông Long này. Nhưng vào thời điểm viết sách, giả thuyết Đặng Tiến Đông đã được công bố, để dung hoà các thông tin trái ngược, họ Quách liền cho Đặng Tiến Đông làm phó tướng cho Đặng Văn Long. Thế là xong, các bên đều vui vẻ cả.

Nếu không có phát hiện lịch sử nào lớn, 50 năm nữa em sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Tây Sơn. Trận Đống Đa của em sẽ có đủ Long A, Long B, Long C, và cả Đặng Tiến Đông nữa. Chiếc bánh chiến công to lắm, ông nào cũng có phần, con cháu ông nào cũng vui lòng hả dạ.

(còn nữa)

No comments: