Friday, December 15, 2006

Quang Trung 3 - Cavenui

3. Có 1 hay 2 tướng Ngô Văn Sở?

Ngô Văn Sở là 1 viên tướng giỏi dưới quyền Quang Trung, sự nghiệp thăng tiến vùn vụt trong giai đoạn Bắc Hà. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết phản tướng Vũ Văn Nhậm, Sở được phong chức Đại tư mã, cai quản toàn bộ 11 trấn Bắc Hà. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép lời Nguyễn Huệ: “Sở và Lân (Phan Văn Lân) là nanh vuốt của ta”, chứng tỏ Sở rất được Nguyễn Huệ tin cậy. Khi quân Thanh vào VN, Sở nghe theo kế Ngô Thì Nhậm, tổ chức rút lui chiến thuật về Tam Điệp, gọi đại quân của Nguyễn Huệ ra xử lý. Việc rút lui này cũng được Nguyễn Huệ khen ngợi. Sở tiếp tục cai quản Bắc Hà một thời gian nữa. Sau khi Quang Trung chết, nội bộ chính quyền vua con Cảnh Thịnh lục đục, Vũ Văn Dũng làm đảo chính lật đổ thái sư Bùi Đắc Tuyên, Sở thuộc phe Tuyên bị tướng Dũng dìm xuống sông Hương cho đến chết.

Đó là tư liệu dạng phổ biến nhất về tướng Sở, người được đặt tên phố ở Hà Nội. Nhưng sự thật dường như phức tạp hơn.

Tạp chí Sông Hương số 25 (tháng 5-6, 1987), nhà nghiên cứu xứ Huế Phan Thuận An viết bài: “Tướng Ngô Văn Sở không phải là danh tướng Ngô Văn Sở" cho biết có đến 2 ông Ngô Văn Sở cùng họ tên ở cùng một thời kỳ, nhưng lại phục vụ 2 chế độ đối kháng nhau. Ngoài đại tư mã Sở đã nói ở trên (quê Nghệ Tĩnh), Tây Sơn còn 1 viên đô uý Ngô Văn Sở (quê Gia Định) sau ra hàng Nguyễn Ánh, làm tướng dưới quyền Võ Tánh ở Bình Định, sau khi Gia Long dẹp yên Tây Sơn, tướng Sở này được giao trấn thủ Thanh Hoa ngoại (Ninh Bình).

Những thông tin này nhà nghiên cứu Phan Thuận An lấy từ Đại Nam chính biên liệt truyện.

Thế Giới Mới số 50 (2/93) có đăng bài của Vĩnh Định phản bác kết luận có 2 tướng Sở của Phan Thuận An. Vĩnh Định khẳng định tướng Sở ra hàng Nguyễn Ánh chính là đại tư mã Sở nổi tiếng kia.

Thứ nhất, Sở Gia Định với Sở Nghệ Tĩnh, theo tác giả, chính là 1 người.

Dòng dõi tướng này đúng là ở Hà Tĩnh, nhưng mấy đời trước đã lưu lạc đến Gia Định rồi nhập cuộc chính ở miền Nam. Đại tư mã Ngô Văn Sở của Tây Sơn ăn cơm tấm nói giọng Gia Định, khi làm tổng trấn Bắc Thành có gọi họ Ngô ở Nghệ Tĩnh đem đối chiếu gia phả để nhận họ.

Thứ 2, thông tin về Sở bị Vũ Văn Dũng dìm chết trong vụ chính biến chỉ là 1 nguồn thông tin, các gia phả của họ Ngô ở nhiều nơi đều nói Sở biết được Dũng mưu hại nên đã ra hàng Nguyễn Ánh và thoát. Quyển Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn của Nguyễn Phương, xuất bản ở Sài Gòn năm 1968 cũng viết: "Họ (tức Võ Văn Dũng) còn mạo chiếu ra Bắc thành xin Quang Thùy cho Ngô Văn Sở về kinh, nhưng Sở biết trước, đã liệu đầu hàng Nguyễn Ánh".

Theo thuyết của Nguyễn Phương và Vĩnh Định, đại tư mã Ngô Văn Sở lẫy lừng của Tây Sơn đã ra hàng Nguyễn Ánh và chính là viên tướng được giao cai quản Ninh Bình, chết già năm 1822, lăng mộ tử tế.

Ý kiến 2 có vẻ ổn hơn ý kiến có 2 tướng Ngô Văn Sở, nhưng còn 1 điểm gây phân vân. Ngô Văn Sở là danh tướng của Quang Trung ra hàng Nguyễn Ánh, nếu Ánh không dung thì không nói làm gì, còn nếu dung thì sao không biết sử dụng tài nghệ của ông ta mà chỉ cho Sở giữ 1 chức nhỏ (nhỏ đến nỗi mà nhiều sử gia không để ý đến chi tiết có viên tướng Ngô Văn Sở của nhà Nguyễn theo Đại Nam chính biên liệt truyện)? Liệu giám đốc khu vực của Microsoft khi đầu quân cho Intel mà chỉ làm 1 nhân viên bán hàng thì có tin được không?

Vĩnh Định giải thích rằng Sở đã khai man lý lịch, hạ cấp chức vụ của mình ở Tây Sơn xuống thành đô uý. Nhưng lính Tây Sơn hàng Nguyễn cũng nhiều, Sở thừa biết là chẳng thể che giấu thân thế mình được lâu, ông ta làm vậy làm gì? Hơn nữa, về phía Ngô Văn Sở, nếu sau khi thoát chết, chỉ muốn yên thân thì ông ta không nhất thiết phải hàng Nguyễn Ánh. Còn nếu muốn trả thù Tây Sơn ngược đãi mình thì lẽ ra ông phải khoe tầm cỡ của mình, hăng hái xông lên tuyến đầu, trở thành danh tướng cho Nguyễn Ánh mới phải.

(còn nữa)

No comments: