Thursday, April 12, 2007

5-7 năm nữa, lương ở công ty VN sẽ bằng lương công ty nước ngoài

Bảng 1

TTO - Năm 2006, mức lương tại Việt Nam (VN) tăng bình quân 12,3% so với năm trước.

Trong đó lương của người lao động (NLĐ) ở khối công ty VN tăng cao nhất, đạt 16,1%, khối văn phòng đại diện tăng 12,6%, khối công ty 100% vốn nước ngoài tăng 11,8%, và khối công ty liên doanh tăng 9,5%.

Như vậy, lương cho NLĐ tại các công ty 100% vốn nước ngoài cao hơn gần 14% so với các công ty tư nhân của VN. Tuy nhiên, các công ty trong nước đang cải thiện rất nhanh mức lương của mình, và với đà này chỉ trong 5-7 năm nữa, sẽ đuổi kịp các công ty có vốn nước ngoài.

Đó là kết quả cuộc khảo sát do Navigos Group thực hiện trên hơn 28.000 nhân viên tại 156 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tại TPHCM (98 công ty), vùng phụ cận TPHCM (21 công ty) và TP Hà Nội (37 công ty).

2006 có mức tăng lương cao nhất trong vài năm trở lại đây

Tính trong 3 năm: 2004 (tăng 8,0%), 2005 (tăng 9,5%), và 2006 (tăng 12,3%), thì năm vừa qua là năm có mức tăng lương cao nhất, đồng thời cũng có tỷ lệ tăng lương so với tăng GDP và lạm phát cao nhất (xem bảng 1).

Theo nhận xét của ông ông Mikkel Schonherr Thogersen, trưởng phòng dự án khảo sát tiền lương năm 2007 của Navogos Group thì nguyên nhân là do "cung cầu không cân đối dẫn đến lương tăng cao hơn mức lạm phát".

Theo phân tích của đơn vị tiến hành khảo sát, các tác nhân chính dẫn đến tăng lương nhiều hơn hẳn so với các năm trước là: đầu tư FDI vào Việt Nam tăng nhanh (xem bảng 2), số lượng các công ty được thành lập ngày càng tăng lên làm gia tăng sức ép cạnh tranh về nhân sự (xem bảng 3).

Bảng 2 Bảng 3

Sự biến động về lương trong năm qua cũng khác nhau giữa các khu vực, tại TPHCM mức lương tăng trung bình 12,9%, trong khi đó tại Hà Nội và vùng lân cận Hà Nội tăng 12,1%, và khu vực phụ cận TPHCM tăng 10,3%.

Sự gia tăng về mức lương cũng khác nhau khá lớn giữa các lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính có mức tăng lương cao nhất, đạt 16,1%, ngược lại, người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc chỉ được tăng trung bình 6,9% mức lương trong năm qua.

Mức tăng lương giữa các nhóm công việc cũng có sự cách biệt khá lớn khi nhóm quản lí đạt mức tăng 13,8%, trong khi nhóm sản xuất thì chỉ đạt 9,6%.

Đồng thời, kết quả khảo sát cũng cho thấy những người làm trong lĩnh vực marketing và tài chính ngân hàng hiện đang được trả lương cao nhất, ngược lại, nhóm hành chính dịch vụ và điều hành hoạt động hiện có mức thu nhập thấp nhất. Lý giải về điều này, ông Mikkel Schonherr Thogersen, trưởng phòng dự án khảo sát tiền lương năm 2007 của Navigos Group cho rằng: "Cả hai ngành nghề này (marketing và tài chính ngân hàng) đều đang khan hiếm nhân sự có kỹ năng, trong khi chúng lại là những ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh về số lượng lao động cũng như về mặt doanh thu. Và hệ quả là tiền lương sẽ tăng lên nhanh chóng."

Bằng cử nhân không quyết định tiền lương

Bảng 4
Khảo sát sự khác biệt mức lương dựa trên trình độ học vấn, cuộc điều tra cho thấy một kết quả khá quen thuộc: người có bằng cấp cao hơn sẽ có thu nhập cao hơn. Cụ thể, lương trung bình (chưa trừ thuế) của những người có bằng cấp dưới đại học chỉ đạt từ khoảng 1800 đến khoảng 3700 USD/ năm, những người có bằng đại học đạt trung bình khoảng 8000 USD/ năm, và những người có bằng thạc sĩ đạt trung bình khoảng 23.000 USD/năm, tiến sĩ đạt gần 26.000 USD/ năm. (xem bảng 4)

Tuy nhiên, có một chi tiết rất đáng chú ý trong quá trình khảo sát là có sự khác biệt lớn đối với mức lương cho những người cùng có trình độ cử nhân. Điều này cho thấy, bằng cử nhân đơn thuần không phải là yếu tố quyết định đối với mức lương. Mà kinh nghiệm, kỹ năng ngoại ngữ là những yếu tố kèm theo rất quan trọng.

Ngoài ra, cùng một cấp độ văn bằng như nhau, nhưng việc du học và có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài ảnh hưởng rất lớn đến lương bổng. Chẳng hạn, mức lương trung bình thực lĩnh đối với những người được đào tạo trong nước là khoảng 10.000 USD/ năm, trong khi con số đó đối với người đã từng học ở nước ngoài là 22.000 USD, và với người nước ngoài là 24.000 USD.

Vị trí càng cao càng dễ nghỉ việc

Một kết quả thú vị khác từ cuộc điều tra này là tỷ lệ nghỉ việc trong các nhóm nhân viên khác nhau. Trong đó, nhóm sản xuất và giám sát có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất (8,5 và 8,6 %), trong khi nhóm quản lí và chuyên viên lại có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất (10,3% và 12,9%).

Như vậy có thể thấy, những nhân viên càng có trình độ - chuyên môn, càng ở cấp bậc cao thì lại càng dễ bị doanh nghiệp khác "săn". Điều này phản ánh hoàn toàn chính xác thực trạng thị trường lao động hiện nay, khi số lượng công ty trong và ngoài nước càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng những quản lí - chuyên viên cao cấp, giỏi và nhiều kinh nghiệm ngày càng tăng lên, tuy nhiên, nguồn cung từ thị trường lại không đủ đáp ứng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tăng cường "săn" người lẫn nhau, khiến đội ngũ nhân sự cao cấp thường xuyên bị "dao động".

HOÀNG HỒNG

No comments: