Tuesday, April 03, 2007

(VietNamNet) – Tổng công ty lương thực Miền Nam có khả năng sẽ là đối tượng điều tra liên quan tới vụ “bôi trơn” trên 1,5 triệu USD vừa bị phát hiện tại Indonesia.


Cơ quan điều tra Indonesia xác nhận ông Widjanarko Puspoyo - Cựu Giám đốc điều hành Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) nhận “quà biếu” của Tổng Công ty Lương thực miền Nam trong thương vụ mua gạo Việt Nam giai đoạn 2001-2003.


Công luận lên tiếng?


Ông Widjanarko Puspoyo vừa bị bắt ngày 20/03/2007 vì liên quan đến vụ nhận hối lộ trong thương vụ nhập gia súc từ Úc năm 2001, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước Indonesia 1,2 triệu USD. Từ vụ này, cảnh sát tìm ra manh mối và điều tra sự việc liên quan đến Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.


Tin được đăng tải trên tờ Bưu điện Jakarta (The Jakata Post) dẫn lời cảnh sát Indoesia cho biết: Số tiền trị giá trên 1,5 triệu USD mà Tổng Công ty Lương thực miền Nam gửi cho Bulog (bởi cơ quan này đã chấp nhận mua gạo) được chuyển từ tại khoản đứng tên Tổng Công ty Lương thực miền Nam tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM đến tài khoản của Công ty Tugu Dana Utama qua ngân hàng HSBC Hồng Kông.


Tugu Dana Utama từng là bạn hàng của Bulog trong thương vụ mua gạo của Việt Nam trong các năm 2001-2003.


Có nhiều lần chuyển tiền, ngày 23/08/2002 chuyển 772.179 USD; ngày 20/03/2003 chuyển 573.579 USD và 189.808 USD được chuyển từ tháng 4 đến tháng 8/2003.


Đến đây, tiền “bôi trơn” tiếp tục được chuyển lòng vòng. Số tiền 1,5 triệu USD tại tài khoản của công ty Tugu Dana Utama tiếp tục được chuyển tới Công ty ABI - nơi người anh em ruột của cựu Giám đốc điều hành Bulog. Tiếp đó, tiền từ ABI lại “chảy” vào tài khoản của ông Rinaldu Puspoyo (con trai của cựu Giám đốc Bulog). Cơ quan điều tra Indonesia xác nhận có hai lần chuyển tiền trị giá 3,809 tỷ rupiah vào tại khoản này.


Đến ngày 28/03/2007, cơ quan điều tra Indonesia đã phong toả 3 tài khoản tại 3 ngân hàng tại Indonesia và sẽ tiếp tục niêm phong các tài khoản có nghi vấn khác. Cơ quan này cũng đã mời thẩm vấn các nhân vật liên quan.


Từ chối trả lời báo chí?


Tiếp theo diễn biến vụ việc này tại Việt Nam, ngày 2/03 PV VietNamNet liên tục điện thoại cho lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, nhưng không ai nhấc máy. Gặp ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam nhưng ông nói chưa biết thông tin gì rồi hướng dẫn liên hệ với Tổng Giám đốc Trương Thanh Phong vì ông Phong là người phát ngôn chính thức của Tổng Công ty.


Sáng nay (3/04) PV VietNamNet đến Văn phòng Tổng Công ty tại 42 Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP.HCM để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng nhận được thông báo từ nhân viên văn phòng: “Tổng Giám đốc và Ban lãnh đạo đang họp”.


Khi chúng tôi đặt thẳng vấn đề, cô nhân viên văn phòng lui vào hỏi ý kiến “sếp”, sau đó xin photocopy những bài báo đăng về Tổng Công ty. Cô này hứa: “Sẽ báo cáo với ban giám đốc ngay sau khi cuộc họp kết thúc” và hẹn chúng tôi buổi chiều quay lại.


Buổi chiều, lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam vẫn không tiếp phóng viên với một lý do mới “Tổng giám đốc đi công tác” (?!) Nhiều nhà báo sau đó đã thất vọng ra về.


Hiện dư luận đang rất quan tâm đến phản ứng từ phía Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. Sự việc cần phải được làm rõ càng sớm càng tốt bởi hàng loạt thông tin trên, đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến uy tín không chỉ tổng công ty này mà cả ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.


Thái Thiện

No comments: