Wednesday, April 18, 2007

Lương lao động tại VN tăng 12,3%


Trí thức trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội nghề nghiệp do Uniliever tổ chức. Ảnh: N.Huỳnh
Tập đoàn Navigos vừa công bố kết quả “Khảo sát tiền lương VN 2007”. Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Mikkel Schonherr Thfgersen- Trưởng Phòng Khảo sát tiền lương của Navigos, đưa ra nhiều đánh giá đáng chú ý.

Lương cao - thấp: Nhờ bằng cấp

. Phóng viên: Ông đưa ra những nhận định gì về mặt bằng lương tại VN?

- Ông Mikkel Schonherr Thfgersen: Khảo sát tiến hành từ tháng 10-2006, với trên 28.000 nhân viên của 156 doanh nghiệp (DN) trên cả nước tham gia. Trong đó, DN liên doanh 16%, DN 100% vốn nước ngoài (FDI) 47,4%; văn phòng đại diện 17,9%; DN trong nước 28,6%. Từ kết quả khảo sát, có thể nhận định lương trên thị trường lao động tại VN đã có sự chuyển biến khá rõ nét. Nếu đối chiếu với kết quả khảo sát vào năm 2005, thì mức lương trên thị trường lao động tăng bình quân 12,3%. TPHCM có mức tăng lương bình quân cao nhất trên thị trường, đạt 12,9%; kế đến là Hà Nội và các vùng lân cận đạt 12,1%; Bình Dương, Đồng Nai có mức tăng lương đạt 10,3%...

Có một điều đáng chú ý là mức tăng lương tương ứng với nhu cầu nhân lực của các ngành nghề. Khảo sát cho thấy, các ngành như markeing, tài chính đang thu hút nhân lực nhất, cũng như có mức tăng lương đạt tỉ lệ cao nhất: 16,1%. Ngành kinh doanh địa ốc và sản xuất có mức tăng lương thấp nhất, từ 6,9% đến 9,6%.

. Nguồn nhân lực chất xám đang thực sự là mối bận tâm hàng đầu tại VN. Có ý kiến cho rằng, người có bằng cấp càng cao nhiều thì lương càng khá. Nhận xét của ông thế nào?

- Sự phát triển của nền kinh tế cùng với tốc độ đổi mới công nghệ, trình độ quản lý của DN nâng lên, thì nhu cầu sử dụng lao động có hàm lượng chất xám tăng cao, giảm dần lao động trình độ thấp. Sự chuyển dịch này tác động tích cực đến nền kinh tế và tất nhiên nó thúc đẩy việc tăng lương trên thị trường lao động. Kết quả khảo sát cũng thể hiện rất rõ mối tương quan giữa bằng cấp và tiền lương. Chẳng hạn, tại khảo sát, nhân viên có bằng trung học hưởng mức lương bình quân hằng năm là 2.513 USD, người có bằng cao đẳng đạt 3.642 USD, nhân viên có bằng cử nhân lương hằng năm 8.198 USD/năm thì người có học vị thạc sĩ là 23.084 USD và tiến sĩ là 25.805 USD. Khoảng cách về thu nhập - bằng cấp là khá rõ nét. Điều này cho thấy giáo dục đang ảnh hưởng theo cấp số nhân đến cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của người lao động.

Rút ngắn khoảng cách về lương

. Trong mắt các nhà tuyển dụng, những người được đào tạo ở nước ngoài trở về VN làm việc, luôn có mức lương cao hơn những người làm việc trong nước. Thực tế thì sao?

- Kết quả khảo sát của chúng tôi cũng phản ánh khá chính xác vấn đề này. Đó là cùng một vị trí, cùng một công việc và cùng một DN, nhưng những người học tập ở nước ngoài luôn được trả lương gấp đôi những người được đào tạo trong nước. Tuy nhiên, yếu tố để quyết định mức lương cao còn tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý...

. Đang có một cuộc chạy đua săn lùng lao động chất xám giữa các khu vực DN và trong cuộc chạy đua này, DN VN vẫn không thể đuổi kịp DN FDI?

- Tiền lương đóng vai trò then chốt và DN phải cân nhắc, quyết định chi trả bao nhiêu mới có thể giữ chân người lao động, đặc biệt lao động giỏi. Ngày nay, cuộc cạnh tranh giành giật nhân lực có trình độ cao đang diễn ra gay gắt và rất nhiều DN có nguy cơ mất đi nhân viên tốt nhất chỉ vì đối thủ của họ đưa ra mức lương hậu hĩ. Có một sự thay đổi tích cực là ngày càng có nhiều DN của VN chú trọng, quan tâm hơn đến chính sách nhân sự, áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ, phúc lợi, dám chấp nhận trả mức lương cao để thu hút người giỏi.

. Nhưng thực tế là mức trả lương của DN VN vẫn còn quá thấp?

- Ở kết quả khảo sát năm 2005, cùng một vị trí, cấp bậc nhưng các công ty nước ngoài trả lương cao hơn 34 % so với các công ty trong nước. Còn ở khảo sát này, khoảng cách chênh lệch được rút ngắn xuống còn 14%. Mặc dù vẫn còn có mức chênh lệch về mức trả lương, nhất là mức trả lương cho lao động cao cấp, nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế VN. Phải thấy là ngày càng có nhiều DN VN nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Cũng theo dự báo của riêng tôi, chỉ khoảng 5-7 năm nữa các DN VN sẽ đuổi kịp mức lương của các DN FDI.

No comments: