Monday, April 23, 2007

Cổ phần hóa : Lợi lớn thuộc về... sếp!

TP - Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần (CP) thuộc về ai? Câu hỏi ấy được đặt khi mà tình trạng “bán lúa non” CP của công nhân viên khi doanh nghiệp CPH ngày càng trở nên phổ biến.

Đành rằng Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ các doanh nghiệp này có quyền sở hữu hợp pháp số lượng lớn CP, nhưng liệu một trong những mục đích là bảo đảm quyền lợi của người lao động và Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa có bị “biến dạng”?

Theo cáo bạch của các Cty nhà nước đã CPH và niêm yết tại Trung tâm GDCK Hà Nội, TP HCM thì đa số cổ đông cá nhân lớn trong các Cty lớn này không phải Chủ tịch HĐQT thì cũng là Tổng GĐ.

Họ không chỉ nắm giữ số lượng lớn CP mà nhiều người trong gia đình họ cũng sở hữu khá nhiều CP cùng tên.

Chẳng hạn như Cty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE) là Xí nghiệp quốc doanh Cơ điện lạnh, thành lập năm 1977 và ngày 13/11/1993, Xí nghiệp được chuyển thành Cty Cổ phần Cơ điện lạnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ REE, người từng được xem là một trong 10 phụ nữ giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang nắm gần 800.000 CP REE (sở hữu cá nhân) và chồng bà là ông Nguyễn Ngọc Hải cũng sở hữu hơn 1,12 triệu CP REE, cả hai chiếm hơn 7% CP của REE.

Theo nguồn tin của chúng tôi, bà Thanh không chỉ là người nắm giữ CP nhiều nhất so với CB-CNV REE mà cả với 6 thành viên HĐQT (ngày công bố cáo bạch). Theo giá tính đến ngày 20/4/2007, hai vợ chồng bà Thanh có gần 440 tỷ đồng CP REE.

Tại Cty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH), những người sở hữu CP nhiều nhất hiện nay cũng là các vị lãnh đạo chủ chốt từ ngày TDH còn là doanh nghiệp Nhà nước.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Lê Chí Hiếu hiện có 537.000 CP TDH và hai người em của ông nắm hơn 82.000 CP. Phó Tổng GĐ TDH Phạm Đình Kháng cùng em ông là Phạm Quốc Thắng sở hữu hơn 666.000 CP TDH.

Một thành viên HĐQT khác là ông Trần Quang Nghị - GĐ Cty dệt Phong Phú còn sở hữu đến 936.000 CP TDH...

Chỉ riêng 3 vị trên và gia đình, tổng giá trị CP TDH của họ đã lên đến hơn 400 tỷ đồng, cao hơn cả 3 lần tăng vốn điều lệ của TDH và nhiều hơn tổng vốn Nhà nước hiện còn nắm giữ tại TDH.

Trong nhiều Cty vốn là doanh nghiệp Nhà nước CPH khác, tỷ lệ nắm giữ CP của các Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ không “ấn tượng” bằng các vị trên nhưng cũng đáng để người lao động mơ ước.

Cty cổ phần đường Biên Hòa (mã chứng khoán BHS) vốn là doanh nghiệp Nhà nước CPH từ 2001. Cho đến khi lên sàn TPHCM, chỉ riêng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Phạm Thị Sum cùng chồng và em gái đã sở hữu hơn 200.000 CP của BHS.

Tổng GĐ hiện thời Nguyễn Xuân Trình cùng vợ và 2 em cũng có hơn 100.000 CP BHS. Cả hai vị trên hiện đang có CP nhiều nhất tại BHS.

Tổng GĐ Cty cổ phần khoan và dịch vụ dầu khí (mã chứng khoán PVD) Đỗ Văn Khạnh và vợ Hồ Thị Thành có đến 167.000 CP của PVD và là một trong vài người nắm giữ CP PVD nhiều nhất tại Cty này. Hiện số CP trên trị giá hơn 36 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty cổ phần vận tải xăng dầu (mã chứng khoán VIP) sở hữu 52.900 CP VIP, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần hàng hải Sài Gòn (mã chứng khoán SHC) có 35.000 CP SHC...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều Cty vốn là doanh nghiệp Nhà nước CPH khác, số lượng CP nằm trong tay gia đình các thành viên HĐQT từng nắm các chức vụ chủ chốt từ khi Cty chưa CP luôn cao hơn tất cả số CP của CB-CNV trong Cty cộng lại.

Số CP này họ mua từ khi Cty mới CPH do CB-CNV ít tiền (chiếm đa số trong Cty) bán vội với giá chỉ bằng hoặc hơn mệnh giá chút đỉnh và các thành viên HĐQT cùng người nhà đã tìm cách mua gom.

Tại Cty thủy sản S. ai cũng biết bộ phận đứng ra rao mua công khai CP mệnh giá 100.000đ với giá 120.000-130.000đ ngay từ khi mới có sổ cổ đông cho GĐ và các Phó GĐ.

Chị Đặng Thị Huyền, nhân viên của Cty địa ốc T. than thở: “Vì không có tiền nên lãnh đạo gợi ý chúng tôi bán ngay. Mà tôi không hiểu tiền đâu mà GĐ, Phó GĐ mua nhiều như vậy”.

Còn trong Cty vận tải G. khá nổi tiếng, ông Tổng GĐ và gia đình nắm đến gần 10 triệu CP và trong các đại hội cổ đông, tiếng nói của ông luôn lấn át các cổ đông khác.

Ở Cty địa ốc T., ngay từ khi mới bán CP ưu đãi cho CB-CNV, có thành viên trong Ban GĐ đã nói với cấp dưới: “Liệu mà bán lẹ đi chứ Cty đang làm ăn bết bát lắm”.

Tin lời ông, nhân viên đổ xô đi bán cho... cháu ông, người đứng ra mua cho ông với giá chỉ hơn 10.000đ so với mệnh giá. Nhưng khi CB-CNV đã bán gần hết thì “bỗng nhiên” Cty làm ăn lên như diều và CP tăng gấp 15-20 lần mệnh giá!?

Nhưng quan trọng hơn nữa là nhiều Cty từng bị đánh giá là đã được định giá thấp hơn giá trị thực như các Cty cao su Tây Ninh, Đồng Phú... Việc chỉ trong vòng 2,3 tháng, giá CP của họ đã tăng lên gấp 12-15 lần mệnh giá. Và các thành viên HĐQT trong những Cty như vậy chắc chắn sẽ thu được mối lợi không nhỏ vì họ hiểu rõ doanh nghiệp mình CPH “kiểu” gì.

Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, người hiểu rõ hoạt động của DN không ai khác là thành viên HĐQT, Tổng GĐ... Họ chính là người sẽ trình ĐHCĐ các phương án kinh doanh, phát hành CP, lợi nhuận...

Vì vậy chẳng có gì lạ khi G., R., V.,... mãi 10 ngày sau mới công bố chia cổ tức bằng CP nhưng trước khi HĐQT có nghị quyết thì trên thị trường CP ấy đã bị mua gom.

Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Thắng (sàn SSI TP HCM) bức xúc: “Thông tin từ các HĐQT rò rỉ ra chứ ở đâu, các vị ấy có tiếng nói quyết định tại đại hội cổ đông, trong Cty nên họ rất dễ định cổ tức, phát hành CP theo ý họ sau khi đã mua gom CP”.

Nhưng ông Thắng còn thắc mắc một điều: “Tại sao hầu như doanh nghiệp Nhà nước nào CP hóa xong thì người giàu nhất, nắm nhiều CP nhất luôn là các vị lãnh đạo Cty và người nhà của họ?”.

Đó cũng là băn khoăn chung không chỉ của CB-CNV trong các doanh nghiệp CP hóa vì lợi ích của Nhà nước và người lao động dường như đang bị xem nhẹ hơn lợi ích của một số thành viên HĐQT.

Hà Phan

No comments: