Tuesday, April 10, 2007

Trạng Tý trong đời tôi !

TT - Tôi có hơn mười năm làm dịch vụ vi tính cho các nhà xuất bản (NXB). Mười năm tích góp, tôi mua được một căn nhà nhỏ, còn hơn 10 triệu đồng, tôi liều lĩnh... mở công ty.

Phan Thị ra đời, tính chi phí thuê nhà, trả lương các cộng sự tháng đầu hết tròn 10 triệu. Các hợp đồng chúng tôi thực hiện được giúp công ty cầm cự thêm hai tháng nữa thì hết sạch cả vốn lẫn lãi, “đại bản doanh” phải dọn vào một con hẻm để giảm chi phí.

Đó là thời hoàng kim của truyện tranh Nhật Bản. Sạp báo, nhà sách nào cũng tràn ngập Đôrêmon, Bảy viên ngọc rồng, chiều chiều tôi thấy các ông chủ làm sách lái xe hơi đến các đại lý thu tiền mà sốt ruột. Phan Thị cũng lao vào tìm cách chia sẻ thị phần bằng một hướng đi khác: viết, vẽ bộ Việt sử Lạc Hồng (sau được NXB Trẻ đổi thành Danh nhân lịch sử VN). Hơn nửa năm trời, chúng tôi làm được 20 tập, mang đi chào hàng. Sau bao nhiêu tranh cãi, chỉnh sửa “lên bờ xuống ruộng” để đảm bảo chính sử, NXB Trẻ đồng ý mua... ba tập!

Thất bại thảm hại nhưng tôi vẫn đau đáu nghĩ về truyện tranh VN. Không lẽ nào trẻ em VN lại chỉ thích truyện tranh Nhật Bản ngay từ khi nhận thức còn tinh khôi như tờ giấy trắng? Tôi ôm bộ truyện Đôrêmon đang thành công trên thị trường về nghiên cứu. Và tôi đã phát hiện ấn tượng sâu đậm của các nhân vật được tạo hình ngộ nghĩnh, bụ bẫm và nhỏ xíu đặc trưng trẻ con; sức cuốn hút của một nhóm bạn với những tính cách khác nhau; những bài học từ cách cư xử, đạo đức đến những kiến thức về lịch sử, truyền thống, văn hóa được lồng vào câu chuyện thật khéo léo...

Nhìn sang truyện tranh VN, tôi chỉ thấy những lát cắt chứ không phải đời sống tiếp diễn, lịch sử được diễn dịch chứ không sống động. Và còn thiếu những tình huống hài hước để độc giả nhí có thể chuyền nhau ôm bụng cười hi hi, ha ha...

Bàn với các cộng sự, ai cũng đồng ý, nhưng giải pháp vẫn chưa có. Tôi vẫn quyết tâm bám vào lịch sử VN vì chỉ có thế mới tạo khác biệt, ngày đêm nung nấu suy nghĩ, tưởng tượng những cô, cậu bé với ba chỏm trái đào ngộ nghĩnh, tinh nghịch. Và một buổi đi làm về thấy đứa cháu đang cười khúc khích trên một trang giấy kín đặc chữ, tôi cầm lên xem. Tựa đề Kho tàng truyện trạng VN như bốc lửa trước mắt tôi: Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Trạng Lường, Trạng Hiền..., bao nhiêu câu chuyện tôi đã từng say mê từ ngày thơ bé bỗng ùa về.

Thế là từ nay nhân vật của tôi đã có tên, có đời sống rồi, đó là một quan trạng tuyệt vời thông tuệ trong dáng hình và tính cách một đứa bé, với một nhóm bạn, giữa một làng quê nghèo.

Đời sống, phong tục, văn hóa VN sẽ thể hiện ở đây, lịch sử sẽ thể hiện ở đây, việc học hành, giáo dục con trẻ cũng ở đây. Cả đêm tôi tưởng tượng các nhân vật của mình nhảy múa, khóc cười, thi thố trên trang sách. Sáng, vào công ty nói với các cộng sự, mọi người đều ồ lên. Và chúng tôi bắt tay vào việc, bộ tứ Tý - Sửu - Dần - Mẹo ra đời. Chúng tôi xây dựng một dây chuyền để chuẩn bị làm dài hơi. Sản xuất vài tập bản thảo, tôi đi gõ cửa NXB. NXB Trẻ cho biết cũng vừa đầu tư vào một bộ truyện tranh lịch sử VN và thua lỗ cả tỉ đồng. NXB Kim Đồng lắc đầu và chỉ vào các đại lý đang xếp hàng chờ mua truyện tranh Nhật Bản... Tôi cầm tập bản thảo thẫn thờ ra về. Làm thế nào đây?

Đêm không chợp mắt, tôi như thấy Trạng Tý lắc lắc cái chỏm trái đào và vung tay “Cố lên! Cố lên!” với tôi. Tôi đã dự định xây dựng Trạng Tý thành một nhân vật tuổi nhỏ mà chí lớn, không lùi bước trước khó khăn kia mà. Tôi cũng không thể lùi bước. Thế là một lần nữa tôi thấy quyết định trong đầu mình lóe sáng: bán nhà để lấy tiền in truyện tranh.

Tập 1 in 5.000 cuốn, bán được 1.500 cuốn; tập 2: hơn một nửa đại lý từ chối; tập 3: đã bắt đầu có sự chú ý và trợ giúp của báo chí; tập 4: “ké” được một góc gian hàng của NXB Trẻ trong hội sách, bắt đầu có độc giả nhí đứng xem. Và ngày cuối cùng của hội sách thì các em nhỏ đã nằng nặc kéo bố mẹ đến mua Thần đồng đất Việt từ tập 1 đến tập 4.

Doanh số lên vùn vụt. Mảnh sân nhỏ xíu của công ty chúng tôi bắt đầu chật ních các đại lý đến chen chân ngày sách phát hành. Đến hôm nay, rất nhiều em nhỏ đã biết đến bộ tứ Tý - Sửu - Dần - Mẹo của Thần đồng đất Việt. Trạng Tý đã đi vào trong các câu chuyện ríu rít và cả giấc mơ của các em nhỏ, làm thay đổi diện mạo truyện tranh VN và cậu bé cũng là một nhân vật đã làm thay đổi cuộc sống của tôi như thế.

PHAN THỊ MỸ HẠNH (giám đốc Công ty Phan Thị, TP.HCM)

No comments: