Tuesday, May 08, 2007

9 câu “đắt giá” nên hỏi nhà tuyển dụng


Vị trí này và công ty sẽ mang đến những cơ hội nào cho tôi?

Câu hỏi này cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có tầm nhìn lâu dài với tương lai nghề nghiệp. Cái bạn cần không chỉ là tiền bạc mà bạn còn muốn một sự nghiệp bền vững. Hơn nữa, bạn luôn tự tin vào bản thân.

Ông/bà thấy tôi sẽ làm lợi cho công ty như thế nào?

Tìm hiểu lý do bạn được chọn trong hàng trăm ứng viên khác sẽ tạo cơ hội cho bạn được “phô diễn” những phẩm chất được công ty ưu tiên. Nhờ đó bạn sẽ tự làm tăng khả năng được chọn của mình.

Dự án đầu tiên của tôi sẽ là gì nếu tôi được chọn?

Câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu cụ thể về những gì bạn có thể mong chờ khi bước vào công ty làm việc. Từ đó bạn cũng tự hiểu được mong chờ của nhà tuyển dụng đối với bạn và biết phương hướng thể hiện năng lực.

Tại sao ông/bà lại chọn công ty này?

Lắng nghe lý do làm việc tại công ty của nhà tuyển dụng có thể giúp bạn nhìn thấu hơn một số điểm mạnh và cơ hội mà công ty mang đến cho nhân viên.

Văn hóa của công ty là gì?

Câu hỏi này sẽ khơi sáng những điều mơ hồ của một công ty vốn không có chút liên quan gì tới kinh nghiệm nghề nghiệp hay bằng cấp được yêu cầu. Nếu bạn cần một môi trường truyền thống, văn phòng để làm việc tập trung và hiệu quả, thì một công sở cần nhiều tính năng động với nhạc mở tự do cùng những lịch trình siêu linh hoạt có lẽ không phù hợp với bạn.

Ai sẽ đánh giá năng lực của tôi khi tôi vào làm việc?

Hỏi câu này, bạn sẽ thấy rõ cấu trúc công ty và các phòng ban mà bạn sẽ làm việc. Hơn nữa, người trực tiếp đánh giá bạn có vị trí càng cao thì năng lực của bạn càng có “đất” sống.

Trách nhiệm công việc chính xác là những gì?

Các bài quảng cáo việc làm thường liệt kê những phạm vi trách nhiệm một cách chung chung cho mỗi vị trí. Vì thế sẽ rất tốt nếu bạn chủ động tìm hiểu công việc mình đang dự tuyển. Bạn không muốn bắt đầu công việc mới với vị trí kỹ sư và sau mới vỡ lẽ ra mình lại phải chịu trách nhiệm văn thư sổ sách.

Khi nào công ty có quyết định về ứng viên trúng tuyển?

Biết được điều này, bạn sẽ có thể ước lượng được thời gian nào nên gửi thư cảm ơn, thời gian nào nên gọi điện hỏi dò kết quả,…

Tôi có thể liên lạc lại với ông/bà không?

Đây là một cách kết thúc buổi phỏng vấn hợp lý nhất, kết mà mở. Nhà tuyển dụng có thể sẽ nhớ câu hỏi này, nhờ đó bạn sẽ giữ liên lạc với họ dễ dàng hơn.

Phước Đại

Theo CareerBuilder

No comments: