Thursday, May 03, 2007

Các DN có cổ phiếu blue-chip kinh doanh ra sao?


Thứ sáu, 4/5/2007, 11:56 GMT+7

Thời gian vừa qua, nhiều cổ phiếu blue-chip rớt giá khá mạnh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì hầu hết các cổ phiếu blue-chip xuống giá do tâm lý chứ không phải do kết quả sản xuất kinh doanh của họ.

Cũng theo các chuyên gia chứng khoán mức lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu blue-chip đang niêm yết trên sàn trong những tháng đầu năm 2007 đáng để các nhà đầu tư đang nắm giữ hoặc có ý định mua tham khảo...

Cty cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã chứng khoán BMC) hiện đang có giá cao nhất trên sàn TPHCM và Hà Nội là 513.000 đồng/cổ phần có kết quả kinh doanh quý 1/2007 khá ấn tượng. Quí 1/2007, BMC đạt lợi nhuận sau thuế 11,5 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là FPT tuy chưa công bố lợi nhuận quý 1/2007 nhưng lợi nhuận trước thuế của FPT năm 2006 đạt 609 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước và đạt 110% kế hoạch. Lợi tức cơ bản trên mỗi cổ phần đạt 8.008 đồng, đạt 80,08% mệnh giá mỗi cổ phiếu.

bluechip.jpg
Giá một số loại cổ phiếu blue-chip giảm không phải do kết quả sản xuất kinh doanh.

“Đại gia” Vinamilk (mã chứng khoán VNM) đạt lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng (trong đó 127 tỷ đồng từ đầu tư tài chính), SAM 52,5 tỷ đồng (gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt mức lợi nhuận khả quan như RAL (Cty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông) 17,3 tỷ đồng; IMP (Cty Dược phẩm Imexpharm) 12,2 tỷ đồng; Agifish (AGF) 16,303 tỷ đồng...

Hai cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết là ACB và STB cũng có lợi nhuận khá lớn: ACB đạt 413 tỷ và STB đạt 302 tỷ đồng. Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên sàn Hà Nội của Cty Chứng khoán SSI thì Cty này cũng lời hơn 465 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những con số lợi nhuận ấn tượng trên không giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp thoát khỏi xu hướng giảm giá chung của TTCK vừa qua. Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng: “Giá giảm là do tâm lý, nhiều nhà đầu tư tham gia TTCK nhưng lại không quan tâm lắm đến hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp, điều này trái với thông lệ thế giới”.

Tổng Giám đốc Cty chứng khoán Đại Việt Bùi Văn Tuynh cũng băn khoăn: “Nếu nhà đầu tư vẫn giao dịch mà không phân tích các thông số, kết quả kinh doanh và giá cả lên hay xuống theo những thông tin này thì thị trường khó mà bền vững”.

Tuy nhiên nhà phân tích chứng khoán Nguyễn Ngọc Lý lại có ý kiến khác. Ông Lý nói rằng có thể nhà đầu tư bị tác động bởi thông tin cho rằng nhiều cổ phiếu blue - chip đã lên giá quá cao. Trong khi đó cơ sở để xác định cao đến đâu là đúng mức thì còn quá mù mờ nên họ đầu tư theo cảm tính cũng không có gì lạ.

Lỗ giảm ít, lãi giảm nhiều!

Về phần các nhà đầu tư, số bán tống bán tháo cổ phiếu blue-chip trong đợt điều chỉnh vừa qua chưa hẳn là số đông. Nhà đầu tư Trần Ngọc Thắng (sàn SBS TPHCM), cho biết: “Những người nắm nhiều cổ phiếu blue - chip và đầu tư chứng khoán lâu năm như chúng tôi chẳng những không bán nhiều loại cổ phiếu vào thời điểm này mà còn chờ hạ để mua vào”.

Sáng 3/5, bà Đặng Bích Phương (có tài khoản tại SSI TPHCM) đặt lệnh mua vào 3.000 cổ phiếu SJS, SSI và VNM vì: “Tôi đã phân tích kỹ trong mấy ngày nghỉ lễ và thấy đây là thời điểm tốt để mua vào, hơn nữa kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp trên cũng khá khả quan”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng môi giới Cty chứng khoán ACBS nhận xét: “Hầu hết cổ phiếu blue - chip vẫn có tính thanh khoản cao, lợi nhuận và cổ tức đều tốt nên số bán ra cổ phiếu này chỉ là thiểu số”.

Tổng GĐ Cty chứng khoán Ngân hàng Đông Á Nguyễn Hồ Nam cho rằng, không thể gom chung cổ phiếu blue - chip vào một giỏ và bảo rằng giá đã quá cao vì “nếu kinh doanh liên tục tăng trưởng tốt thì giá gấp 50 lần mệnh giá chưa là gì cả, trên thế giới điều ấy là bình thường, có lo chăng là việc giá bị đẩy lên cao bằng những thủ thuật”.

Vì thế ông Nam khuyên mua cổ phiếu không chỉ nhìn vào bảng báo giá cổ phiếu mà phải xem xét, phân tích kỹ các chỉ tiêu, kế hoạch, lợi nhuận của Cty.

Có lẽ việc một số doanh nghiệp có CP niêm yết trên sàn mức lợi nhuận sau thuế quý 1 chỉ dưới 1 tỷ đồng như Cty Nước giải khát Sài Gòn (TRI), Cty Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA), Cty Nhựa Đà Nẵng (DPC)...

Thậm chí TAYA ( TYA) lỗ đến 32,1 tỷ nhưng giá giảm khá ít, thậm chí tăng (TRI) là chuyện chỉ có ở TTCK Việt Nam, nhất là so với việc nhiều cổ phiếu blue-chip vừa hoặc đang giảm giá mạnh.

Theo Hà Phan

No comments: