Thursday, May 03, 2007

Vòng vo Tam Quốc (2)

Tên và tên tự

Bài này copy từ blog của Cavenui

Lần đầu tiên đọc Tam quốc diễn nghĩa, em đọc bộ 13 tập của NXB Phổ thông, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ. Cả cụ Phan lẫn cụ Bùi đều là những danh sĩ một thời. Hồi đó Tam quốc là sách hiếm, muốn đọc phải mượn hoặc thuê, gặp tập nào đọc tập đó, nhảy cóc từ tập 4 Quan công tìm anh sang tận tập 9 Lưu Bị vào Thục... Đọc kiểu đó mà cuối cùng vẫn ghép được các sự kiện vào nhau, nhiều tình tiết, thậm chí nhiều câu đến giờ vẫn không quên được.


Rất nhiều năm sau VN tái bản lại bộ trên, gộp thành 8 tập và có hiệu đính mới của 2 bác Lê Huy Tiêu-Lê Đức Niệm. Lời nói đầu viết rằng 2 bác Tiêu-Niệm trên tinh thần về cơ bản tôn trọng bản cũ nhưng có chỉnh sửa lại đôi chỗ nhầm lẫn, về lý thuyết mà nói thì cải tiến đương nhiên là phải tốt hơn.


Nhưng có một sự chỉnh sửa chưa hẳn đã là tốt. Đó là chuyện viết tên riêng các nhân vật trong truyện.


Trong bộ Bùi Kỷ tên các nhân vật được viết theo 1 quy tắc khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn như ông Gia Cát Lượng, họ là Gia Cát, tên là Lượng sẽ được viết là Gia-cát Lượng (chữ cát nằm trong họ Gia-cát không viết hoa, giữa Gia và cát có gạch nối). Tương tự như vậy là những Tư-mã Ý, Hạ-hầu Đôn, Công-tôn Toản.


Còn ông Lưu Bị, tên tự là Huyền Đức sẽ được viết là Lưu Huyền-đức. Chữ Đức chỉ là 1 phần của cái tên Huyền-đức nên không viết hoa, giữa Đức và Huyền có gạch nối. Đọc bộ Bùi Kỷ không có ai nghĩ rằng mấy ông Tào Mạnh-đức, Trương Dực-đức với Lưu Huyền-đức cùng có tên là Đức cả.


Bộ mới của 2 bác Tiêu-Niệm không tuân theo nguyên tắc này. Viết hoa tất và không có gạch nối: Gia Cát Lượng, Lưu Huyền Đức v.v . (Đây cũng là cách viết tên họ người Tàu thông dụng trên sách vở từ lâu lắm rồi: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Âu Dương Tu, Lệnh Hồ Xung ).


Nếu không theo dõi từ đầu và không hiểu biết về "thiên hạ bách tính", người ta có thể tưởng ông quân sư nhà Thục Hán họ Gia, còn ông chủ của ông ta tên là Đức. Chữ Cát và chữ Huyền trong tên họ hai ông này chắc là tên đệm giống như chữ Chí trong tên ông giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chí Phèo người Hà Nội gốc.


Cho nên: bảo lối viết Lưu Huyền-đức, Gia-cát Lượng là lẩm cẩm cũng được, nhưng rõ ràng người đọc tiếp nhận được thêm thông tin về tên họ nhân vật thông qua cách viết lẩm cẩm ấy, điều này họ không có được khi đối diện với cách viết hiện đại Lưu Huyền Đức, Gia Cát Lượng sau này.


Hầu hết các nhân vật quan trọng trong Tam quốc khi xuất hiện đều được giới thiệu họ, tên và tên tự. Khi nào dùng tên và khi nào dùng tên tự cũng có quy tắc ngầm.


Các nhân vật khi tự nói về mình thường dùng tên để tỏ ra nhún nhường.


Chẳng hạn Tào Tháo khi ali mơi mơi 1 danh sĩ nào đó sẽ bảo: "Tiên sinh về với Tháo thì nhất định ta sẽ trúng thầu".


Hay Lưu Bị lúc giả bộ khiêm tốn thì nói: "Bị này người trần mắt thịt làm sao biết được cách giải bài toán Fermat".


Vân vân.


Không bao giờ ta gặp những câu như "Tiên sinh về với Mạnh-đức" hay "Huyền-đức này người trần mắt thịt...".


Khi nói với người trên thì tất nhiên người ta dùng chức vụ, vị trí công tác hay danh hiệu học vị học hàm, ví như gọi vua là bệ hạ, gọi ông chủ mình là chúa công, tướng tá bên Thục gọi Khổng-minh là quân sư, còn đàn em của Tào Tháo gọi ông ta là thừa tướng.


Còn khi nói với (hoặc nói về) người ngang hàng hoặc dưới mình, nhưng vẫn tỏ ra lịch sự, người ta dùng tên tự.


Ví dụ Khổng-minh nói với Lỗ Túc: "Tử-kính (tên tự của Lỗ Túc) chỉ giỏi đánh golf, Công-cẩn (tên tự của Chu Du: chỗ này lại là nói về người vắng mặt) chỉ thạo tennis, còn ta không môn thể thao nào là không đỉnh đỉnh đỉnh".


Viên Thiệu nói với Lưu Bị: "Huyền-đức cứ ở lại chỗ ta, không phải sợ bố con thằng nào".


Vân vân.


Đó là các nhân vật gọi nhau, còn tác giả gọi tên nhân vật thì sao?


Bác La gọi hầu hết các nhân vật bằng họ và tên: Tào Tháo, Trương Phi, Tôn Quyền. Lúc nhắc lại nhân vật đó trong cùng 1 đoạn thì chỉ gọi gọn lỏn bằng tên: Tháo, Phi, Quyền.


Nhưng có mấy nhân vật đặc biệt được đặc cách gọi bằng tên tự thay cho tên. Nhắc đến Quan Vũ, tác giả thường dùng Vân-trường.


Nhắc đến Lưu Bị, tác giả thường dùng Huyền-đức.


Nhắc đến Gia-cát Lượng, tác giả thường dùng Khổng-minh.


Ngoài ra còn có Triệu Vân, bình thường tác giả chỉ gọi là Vân, nhưng có đôi chỗ tác giả gọi viên tướng tận tụy chưa từng làm hỏng việc này là Tử-long.


Hình như chỉ có 4 người ấy được tác giả đặc cách chiếu cố gọi bằng tên tự, cả 4 người đều thuộc phe chính thống nhà Thục Hán.


Cũng là anh em kết nghĩa vườn đào với Lưu-Quan nhưng Trương Phi lại không được tác giả gọi bằng tên tự Dực-đức mà chỉ được gọi là Phi. Nghe đồn nhân vật Trương Phi thật trong lịch sử là 1 tay văn nhã con nhà giàu, chữ đẹp, có tài vẽ tranh. Không hiểu sao khi vào truyện của bác La, Trương Phi lại đổi tính đổi nết trở thành anh chàng cục súc lỗ mãng nóng nảy, không đủ sang trọng để được bác La gọi bằng tên tự.


Nhân chuyện tên với tên tự nhân vật Tam quốc nói lan sang chuyện đặt tên người Nga. Hôm nọ có anh bạn khoe cuốn tiểu thuyết viết dở có mấy nhân vật là cha con tay cố vấn người Nga. Ông bố được anh bạn đặt tên là Va-xi-li Xec-ghê-ê-vích, còn ông con thì tên là Vich-to Bô-ri-xô-vich. Anh bạn thuổng mấy cái tên này từ tên những ông người Nga thật trong những bản tin tấm gương lao động xã hội chủ nghĩa trên họa báo Liên Xô ngày xưa, yên chí tên như thế là Nga lắm rồi đúng lắm rồi. Biết đâu rằng, nếu đồng chí con tên là Vích-to Bô-ri-xô-vích thì đồng chí bố nhất định phải tên là Bô-rix, chứ không thể tên là Va-xi-li được.

No comments: