Wednesday, October 11, 2006

Mật mã Da Vinci (Phần II): Những lỗ hổng trong lập luận

Cuốn tiểu thuyết "Mật mã Da Vinci" được NXB Văn hoá - Thông tin mua bản quyền và xuất bản một cách hợp pháp theo tinh thần của Công ước Berne. Tuy nhiên, đây lại là một sự cố bị coi là "thảm hoạ dịch thuật" gây nhiều tranh cãi. Sự quan tâm đặc biệt của độc giả dành cho cuốn sách này cũng không có gì là khó hiểu khi đây được coi là một tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới với nội dung hấp dẫn, giải mã nhiều bí ẩn. Bài phân tích tiếp theo của tác giả Phạm Thúc Trương Lương ( Phần I đã đăng trên tinhvanERP ra ngày 09/09/2005)sẽ tiếp tục làm cho chúng ta sáng tỏ những bí ẩn đó.

Một giả thuyết không mới

Richard Leigh, Henry Lincoln và Michael Baigent (từ trái qua phải)
Richard Leigh, Henry Lincoln và Michael Baigent (từ trái qua phải)

Dan Brown, tác giả của “Mật mã Da Vinci” vốn không phải là một sử gia hay hay nhà nghiên cứu tôn giáo chuyên nghiệp. Ông đơn giản chỉ là một nhà văn thông minh và hiểu biết rộng. Đa phần các luận giải về Chén Thánh và Mary Magdalene trong cuốn tiểu thuyết không phải là của ông. Dan Brown đã dựa rất nhiều vào các công trình nghiên cứu của những người khác, tiêu biểu là tác phẩm “Dòng máu thiêng, Chén Thánh” (Holy blood, holy Grail) của Baigent, Leigh, hai sử gia hội Tam Điểm và Lincoln, một nhà văn. Những người đã đọc “Mật mã Da Vinci” hẳn có thể nhận ra rằng nhân vật Leigh Teabing chính là ẩn dụ của bộ ba kể trên. Leigh là họ của Richard Leigh, Teabing là phép đảo tự của Baigent, còn Lincoln thì góp cho nhân vật này những cái nẹp chân kim loại. Giống như Lincoln ngoài đời, Teabing cũng bị thọt. Ba tác giả này hiện cũng đang khởi kiện Dan Brown vì ông đã sử dụng công trình của họ mà không xin phép.
Với tài kể chuyện, Dan Brown đã thổi sự lôi cuốn và sinh động vào các giả thuyết sẵn có, xâu chuỗi chúng với nhau bằng những sử liệu và kiến giải của ông về những thông điệp mà người xưa chuyển tải qua các biểu tượng, kiến trúc và hoạ phẩm, biến các công trình nghiên cứu khô khan vốn chỉ được giới học giả quan tâm thành một một món ăn tinh thần mà cộng đồng bạn đọc bình dân dễ dàng hấp thụ.
Tuy nhiên, Dan Brown và cả những tác giả của các giả thuyết hoặc tư liệu có liên quan sẽ khó có thể phủ định được những gì vốn được coi là đúng trong suốt hai thiên niên kỷ qua, nhất là khi những điểm cơ bản mà họ muốn phủ định lại thuộc về Kinh Tân ước, văn bản thiêng liêng của một trong các tôn giáo lớn và lâu đời nhất của loài người. Những người không ủng hộ Dan Brown có đủ lý lẽ để bẻ gãy thành từng mảnh chuỗi biện luận được trình bày khá công phu và logic trong “Mật mã Da Vinci”. Dưới đây tôi xin tóm tắt lại một số ý kiến phản biện của họ theo cùng mạch trình bày như phần I để mọi người có thể dễ dàng đối chứng.

Bức tranh “Bữa tối Cuối cùng” của Leonardo Da Vinci

Với giới độc giả đại chúng vốn dễ tính và cũng dễ tin, những mật mã mà Dan Brown tìm thấy trong bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo Da Vinci chính là tiêu điểm và có tính thuyết phục cao nhất trong toàn chuỗi biện luận của ông nhờ vào tính trực quan của nó. Những người phản biện thì cho rằng nhân vật mà Dan Brown gọi là Mary Magdalene thực ra là John the Evangelist. Vẻ nữ tính của Thánh John trong tranh không phải là điều gì khác lạ. Các hoạ sĩ thời đó đều có xu hướng thể hiện Thánh John trong dáng vẻ ẻo lả như vậy. Mặt khác bức tranh này đặc tả một khoảnh khắc được ghi lại trong chính Phúc âm của John, khi Chúa phán rằng: “Sự thật là, một trong số các con sẽ phản bội ta” (John 13:21). Giả sử người ngồi bên phải Chúa là Mary Magdalene, thì Thánh John ở đâu? Nếu không có mặt trong bữa ăn, làm sao Thánh John có thể thuật lại nguyên văn lời của Chúa như vậy?
Theo tôi cách phản biện như trên là chưa thoả đáng. Dĩ nhiên Da Vinci không thể vẽ mười bốn nhân vật quanh chiếc bàn vì điều này là trái với kinh thánh. Rất có thể ý đồ của ông là đánh tráo John bằng Magdalene để bức tranh tuy bề ngoài thì có vẻ bình thường nhưng lại ẩn chứa những thông điệp của riêng ông.

Bàn tay vô chủ trong bức tranh của Da Vinci
Bàn tay vô chủ trong bức tranh của Da Vinci

Dan Brown còn nhắc tới một điểm bí ẩn trong bức tranh nhưng không giải mã được ý nghĩa. Đó là một bàn tay mọc ra từ sau lưng của Judas Iscariot (xem hình) và không gắn với một nhân vật nào cả. Hẳn nhiên nó không thể là tay của Thánh Peter, trừ phi ông có một cấu trúc xương cổ tay dị dạng (nói nôm na là bị khoèo). Điều này thật vô lý vì Leonardo Da Vinci là một họa sĩ bậc thầy về giải phẫu học. Ông từng tiến hành việc mổ xác một cách bất hợp pháp để nghiên cứu về cấu trúc của cơ thể người. Bàn tay vô chủ đó cầm một con dao chĩa vào bụng của Thánh Andrew còn ông này thì giơ hai tay lên trời, vẻ mặt vô cùng hoảng hốt. Vậy hàm ý của Da Vinci là gì? Theo tôi, bàn tay đó thuộc về người thứ mười bốn, bàn tay của Thánh John. Da Vinci đã thể hiện đủ các nhân vật một cách vô cùng khéo léo.
Còn về chi tiết tại sao không tồn tại một cái ly có chân đế trên bàn ăn (vật sau này sẽ trở thành Chén Thánh linh thiêng) thì tôi không tìm thấy một lý giải rõ ràng nào cả. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng thưởng thức một lý giải mang tính hài hước xem sao.
Da Vinci có vẽ Chén Thánh. Nó nằm ngay ở phần trung tâm của bức tranh, lồ lộ trước mắt mọi người. Hãy xem hai hình ảnh bên dưới. Hình phía trên là một công cụ (cái giũa) từng được các thợ mộc vào thời đại của Da Vinci sử dụng một cách phổ biến. Hình dáng của nó khá tương đồng với vật thể nằm trong bàn tay bí ẩn. Còn hình phía dưới là tên và mô tả của công cụ này trong từ điển Webster toàn tập xuất bản năm 1913. Theo đó, công cụ được gọi là Graille, một loại giũa có một cạnh thẳng và một cạnh uốn cong. Vậy là Da Vinci đã chơi chữ. Ông vẽ một đồ vật có tên là Graille để ám chỉ từ đồng âm với nó là Chén Thánh (Holy Grail). Điều này đúng hay sai, dĩ nhiên tuỳ bạn quyết định.



Mary Magdalene

Dan Brown sử dụng các sách Phúc âm theo thuyết ngộ đạo (Gnostic Gospel) mà ông cho là những ghi chép sớm nhất về Chúa Jesus, thậm chí sớm hơn cả Kinh Tân ước để làm minh chứng cho mối quan hệ giữa Mary Magdalene và Jesus cũng như vị trí của nàng so với các thánh tông đồ khác. Tuy nhiên, những người phản bác ông lại khẳng định điều ngược lại. Theo họ, trong khi tất cả các sách Phúc âm kinh điển đều ra đời trong khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, thì các sách Phúc âm Ngộ đạo chỉ xuất hiện khá lâu sau đó, sớm nhất cũng phải vào khoảng giữa thế kỷ thứ Hai.

Chúa Jesus Christ và Mary Magdalene tại thời điểm Ngài phục sinh
Chúa Jesus Christ và Mary Magdalene tại thời điểm Ngài phục sinh

Về trích đoạn của Phúc âm Philip mà Dan Brown sử dụng: “Và người đồng hành với Đấng Cứu thế là Mary Magdalene. Đức Ki-tô yêu bà nhiều hơn tất cả các tông đồ khác và người thường hôn lên môi bà. Những tông đồ còn lại cảm thấy khó chịu bởi điều đó và bày tỏ sự không chấp thuận. Họ nói với Chúa, ‘Tại sao Thầy lại yêu nàng hơn hết thảy chúng con?’” thì Jennifer Rast, một trong những người phản đối, cho rằng nó không chứng minh được Mary Magdalene là vợ của Jesus. Thứ nhất nụ hôn môi kiểu như thế này đã được thánh Paul đề cập tới trong câu 1 Corinthians 16 của Kinh Tân ước như là một nụ hôn trinh bạch thể hiện tình bằng hữu. Thứ hai, trong ngôn ngữ Ai cập cổ (Coptic) của nguyên bản, từ người đồng hành (koinonos) chỉ đơn thuần là người đồng hành, chứ không mang ý nghĩa là vị hôn thê như phát biểu của Dan Brown. Theo tổ chức tôn giáo Catholic Answers của Mỹ, lý do khiến Dan Brown và một số người khác cố gắng ép Mary Magdalene vào vai trò là vợ của Chúa Jesus bởi vì nàng là một trong số có thể đếm được trên đầu ngón tay những phụ nữ vừa là môn đệ xuất chúng của Chúa, vừa có tên tuổi rõ ràng và quan trọng hơn, không thấy thấy được kể là có kết hôn với ai đó. Họ cũng bình luận rằng, trong khi tập trung đề cao và khai thác các bản Phúc âm Ngộ đạo phù hợp với giả thuyết của mình, Dan Brown lại lờ đi bản Phúc âm Thomas, dù nó cũng là một bản Phúc âm Ngộ đạo. Bởi vì theo những gì Thánh Thomas viết lại thì khó có thể có chuyện Chúa Jesus dự định lựa chọn Mary Magdalene, hay nói chung là một phụ nữ, làm người kế tục mình để xây dựng và điều hành giáo phái. Chúa đã nói với các môn đệ rằng: “Tất cả những người phụ nữ tự làm cho mình thành đàn ông sẽ được bước vào nước Thiên đàng”.
Còn sự cạnh tranh quyền lực giữa Peter và Mary Magdalene mà Dan Brown đề cập, theo Amy Welborn, người phụ trách chuyên mục của tạp chí tôn giáo “Our Sunday Visitor”, chỉ là sự suy diễn và phỏng đoán. Chẳng có bằng chứng lịch sử nào chứng thực cho điều đó. Thậm chí nó còn phi logic. Luận điểm của Brown dựa trên giả định rằng Thánh Peter và “bè đảng” của ông làm đã tất cả để thâu tóm quyền lực. Nhưng quyền lực đó giúp họ đạt được mục đích gì? Họ không vì thế mà trở nên giầu có. Họ cũng không vì thể mà được nền văn hóa Do thái tôn vinh. Tất cả họ đều chết đi trong sự khinh miệt của người đương thời như những thánh tử đạo.

Hội kín Tu viện Sion
Tu viện Sion không phải do Godefroi de Bouillon sáng lập năm 1099 tại Jerusalem như phát biểu của Dan Brown. Theo những người phản biện ông, Tu viện Sion là tên của một tổ chức được bốn chàng trai trẻ người Pháp thành lập vào năm 1956 tại vùng Annemasse. Tổ chức này có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương và tồn tại không lâu. Từ Sion, vốn rất dễ làm nảy sinh mối liên tưởng tới ngọn núi Zion huyền thoại tại Jerusalem, thực chất chỉ là tên của một ngọn núi nằm ở ngoại vi Annemasse (Col du Mont Sion). Cương lĩnh chính thức của Tu viên Sion khi thành lập là cổ suý cho việc phát triển nhà ở giá rẻ tại địa phương và không hề liên quan đến các chủ đề tôn giáo. André Bonhomme, chủ tịch đầu tiên của tổ chức, đã nhiều lần khẳng định điều này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Pierre Plantard
Pierre Plantard

Những giả thuyết về Tu viện Sion mà Dan Brown sử dụng trong lập luận của ông đều xuất phát từ Pierre Plantard, một trong bốn sáng lập viên của tổ chức. Dòng họ Plantard cũng được Dan Brown đề cập như là một trong các nhánh hậu duệ của triều đại Merovingie hay xa hơn là của Chúa Jesus. Còn với những người chống Dan Brown, Pierre Plantard chẳng là gì hơn một gã hoang tưởng, một tín đồ Công giáo La Mã bảo thủ với lập trường bài Do thái và chống lại cộng đồng Vatincan II, từng bị toà kết án sáu tháng tù vì tội “gian lận và biển thủ”. Pierre Plantard bắt đấu sáng tác các câu chuyện về cội nguồn của ông và của Tu viện Sion vào thập kỷ 60 sau khi ông gặp Gerard de Sede. Cả hai đã xuất bản một số bài báo và sách về chủ đề này. Mặc dù tự nhận mình là con cháu trực hệ của vua Dagobert II (triều đại Merovingie) nhưng Pierre Plantard lại luôn giữ khoảng cách với những luận thuyết về “dòng máu thiêng”. Trong các tài liệu của mình, ông cũng không đề cập tới Kinh Tân ước và phủ nhận mối liên quan giữa cương lĩnh của Tu viện Sion với thân thế của Chúa Jesus.
Còn về tài liệu Les Dossiers Secrets tìm thấy tại Thư viện Quốc gia Paris năm 1975 trong đó có liệt kê tên của các vị Đại Sư (Grand Master) của tổ chức Tu viện Sion kể từ năm 1099 (Lenonardo Da Vinci hay Isaac Newton nằm trong số những cái tên này), người ta đã đi đến kết luận tài liệu này là giả mạo. Thậm chí một số người còn quy kết rằng chính Pierre Plantard đã cất giấu nó vào đó.
Về lịch sử của dòng Hiệp sĩ Thánh chiến (Knight Templar), những người phản đối Dan Brown cho rằng đội quân tôn giáo này được thành lập vào năm 1118 nhằm bảo vệ những người hành hương đến vùng Đất Thánh. Sứ mệnh của họ vì vậy nhận được sự ngưỡng mộ to lớn của xã hội đương thời và nhờ đó họ thu được rất nhiều tài sản và đất đai do những người ủng hộ hiến tặng. Sau khi cứ điểm cuối cùng của quân thập tự chinh bị thất thủ vào năm 1291, vai trò của dòng Hiệp sĩ Thánh chiến cũng vì thế mà mai một đi. Lúc đó, sự giầu có và quyền lực chỉ còn đem lại sự thù địch cho họ mà thôi.
Dan Brown quy kết việc trấn áp đội quân này cho giáo hoàng Clement V là không chính xác. Sự việc này thực ra được khởi đầu bởi hoàng đế Pháp Philippe Tuấn tú (Philippe le Bel) vào năm 1307. Theo lệnh của ông, khoảng 120 hiệp sĩ Thánh Chiến, trong đó có thủ lĩnh của họ là Jacques de Molay, đã bị kết án và thiêu sống bởi các tòa án dị giáo Pháp. Ngoài số người kể trên, có rất ít Hiệp sĩ Thánh chiến phải thụ hình ở các nơi khác mặc dù cơ cấu của đội quân này bị hủy bỏ vào năm 1312. Một giáo hoàng yếu ớt như Clement, vốn là một người Pháp và chịu sự giật dây bởi hoàng đế nước ông, chẳng thể thiêu sống ai ở Vatican, Rome như lời của Brown, đơn giản vì ông này là giáo hoàng đầu tiên trị vì tại cung điện Avignon (nằm trên lãnh thổ Pháp).

Hoàng đế Constantine, Kinh tân ước và Chúa Jesus
Theo những người phản bác Dan Brown, hoàng đế La Mã Constantine I không giữ vai trò gì trong việc biên tập kinh Tân ước. Đây là một quá trình lâu dài và đã bắt đầu vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên trong khi Constantine (306 – 337) phải đến tận thế kỷ thứ Tư mới ra đời. Mặc dù có tới khoảng 80 bản Phúc âm khác nhau, nhưng chỉ có bốn bản Phúc âm được đưa vào kinh Tân ước là vì các Đức Cha của Nhà thờ Công giáo ở thế kỷ thứ hai thường xem chúng là những bản xác tín nhất. Tiêu chí của họ là chỉ lựa chọn những bản nào do thánh tông đồ viết ra và trung thành với đức tin của tôn giáo này. Thêm vào đó, sự phán quyết cuối cùng về cấu trúc của kinh thánh Cơ đốc giáo được giáo hội thông qua sau thời đại của Constantine.
Một trong các luận điểm của Dan Brown là Cơ đốc giáo vay mượn nhiều yếu tố của các tôn giáo khác dưới sự cưỡng ép của hoàng đế Constantine. Ví dụ như việc họ chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Jesus. Theo Dan Brown, thân thế của Chúa Jesus có nhiều điểm tương đồng với truyền thuyết về Chúa Mithras trước đó, người được xưng tụng là Con của Chúa trời và Ánh
sáng của Thế giới trong tôn giáo Mithraism của người Ba Tư (Persian) cổ đại. Mithras cũng sinh vào ngày 25 tháng 12, cũng được chôn cất trong một hang đá và phục sinh sau đó ba ngày. Tuy nhiên những người phản bác ông lại cho rằng không thể coi ngày 25 tháng 12 là ngày sinh chính xác của Chúa được vì điều này không hề được nhắc tới trong kinh Tân ước. Trên thực tế, những tín đồ Cơ đốc giáo vào buổi sơ thời đã chọn ngày này làm ngày Chúa giáng sinh là có chủ đích. Họ muốn chống đối lễ hội thần Saturn (Thổ tinh) của đa thần giáo diễn ra cùng thời gian, vào giữa tháng 12 hàng năm. Hơn thế nữa, tín ngưỡng Mithraism không nhắc tới cái chết của Mithras vì thế cũng chẳng thể có mộ chí trong hang đá hay sự phục sinh nào cả.
Theo Dan Brown, Constantine I còn dịch chuyển các nghi lễ của Cơ đốc giáo vốn được tổ chức vào thứ Bẩy hàng tuần (giống lễ Sabbath của người Do Thái) sang ngày Chủ nhật để trùng với ngày sùng kính mặt trời trong tôn giáo của ông. Những người phản đối thì cho rằng đây là một gán ghép khiên cưỡng. Các tín đồ Cơ đốc tôn vinh ngày Chủ nhật như là ngày Sabbath từ rất lâu trước Constantine. Có thể thấy điều này qua kinh Tân ước. Các trích dẫn trong sách Công vụ của các sứ đồ (Acts 20:7) và 1 Corinthians 16:2 chỉ rõ
rằng ngày Sabbath của người Cơ đốc là ngày đầu tiên trong tuần (tức Chủ nhật).
Cũng không thể nói rằng phải đến tận Hội đồng Nicaea (325 sau C.N.) thì Jesus Christ mới được xác lập như một đức thánh linh và được thờ phụng như Chúa trời. Trong kinh Tân ước, Jesus được xưng tụng là Đức Chúa (theos) bẩy lần và được gọi là Vị chúa tể (Lord) theo nghĩa thần thánh một số lần khác. Ai cũng thấy rằng kinh Tân ước có niên đại sớm hơn Hội đồng Nicaea rất nhiều.
Về các cuộn giấy da tìm thấy ở Nag Hammadi (Ai cập) năm 1945 và ở sa mạc Judaen (Israel) vào thập niên 50 của thế kỷ trước mà Dan Brown cho là ghi lại nội dung của các sách Phúc âm cổ viết về Chúa Jesus với những góc độ rất con người, thì những người khác lại nói rằng đơn giản là ông đã nhầm lẫn. Cuộn giấy da tìm thấy tại sa mạc Judaen là một văn bản Do thái đơn thuần. Nó không chứa đựng bất kỳ một Phúc âm nào và thậm chí còn không để cập đến Jesus.

Kết luận
Có thể thấy lập luận của những người phản bác Dan Brown đa phần dựa trên một tiền đề là Kinh Tân ước là hoàn toàn chân thực và không hề được sửa chữa kể từ khi nó ra đời. Còn Dan Brown thì lại cho rằng kinh Tân ước đã được biên tập lại theo chủ trương của hoàng đế Constantine. Sự khác biệt này là không thể phân định đúng sai. Và cũng tương tự như phần I, tôi chỉ có thể nói một câu đảm bảo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là chỉ có Chúa mới biết chuyện gì đã thực sự xảy ra với Ngài.

No comments: