Tuesday, October 31, 2006

Rắn khổng lồ ở Việt Nam - bài 2

Đi săn ảnh…rắn khổng lồ
Thứ ba, 31/10/2006, 16:55 GMT+7

Dân cố cựu rừng U Minh cho rằng rắn hổ mây khổng lồ trong rừng còn rất nhiều, nhưng mỗi người lại thấy mỗi con kích cỡ khác nhau. Đa phần loài rắn này tập trung tại rừng đặc dụng Vồ Dơi (Vườn Quốc gia U Minh Hạ) vì duy nhất nơi này có hệ thực vật nguyên sinh với những cánh rừng tràm tồn tại hàng chục, hàng trăm năm và đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

>> Kỳ 1: Những câu chuyện… dựng tóc gáy

Vậy có bao nhiêu con rắn khổng lồ, con lớn nhất nặng và dài bao nhiêu? Với mong muốn tìm kiếm một bằng chứng sống về rắn khổng lồ, chúng tôi đã xuyên rừng, ngủ lại nhiều đêm nơi nó đã xuất hiện.

rankhonglo.jpg

Chòi canh cao 8m nhưng rắn khổng lồ có thể ngóc đầu lên dễ dàng

Thần rắn đi săn mồi

Theo chân anh Phước, cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đi sâu vào giữa ruột rừng nơi đội giữ rừng cơ động đang cắm chốt. Cách đây vài ngày, khi đứng trên chòi canh lửa, anh Nguyễn Đình Dũng đã nhìn thấy một con rắn to hơn bắp vế người lớn vắt mình ngang con kênh xáng giữa và hướng về nhà công vụ của nhân viên kiểm lâm. Lập tức mọi người được thông báo để chuẩn bị đối phó. Rất may sau đó con rắn khổng lồ đã quay đầu tiến thẳng vào rừng sâu.

Anh Dũng cho biết: “Đó chưa phải là con to nhất. Trước đây gần một tháng, anh em ở chốt số 1 kênh Đứng đã nhiều lần thấy con rắn còn to hơn con này nhiều. Nó săn mồi ngay sát nách anh em khiến họ bỏ chạy tán loạn”.

Thế là tôi và người hướng dẫn dò hỏi đường và băng rừng tìm đến chốt số 1 kênh Đứng, cách điểm trung tâm này hàng chục cây số đường rừng.

Nói là chốt nhưng chỉ là cái chòi, bốn bề trống huơ trống hoác, bên trong có một bộ giường dã chiến cho bốn người giữ rừng trú ngụ. Để ý thấy dao, phản nhiều hơn củi, một đèn pin nhỏ, một đèn pha, vài cái mùng, máy bộ đàm.

Anh Nguyễn Văn Tẻn kể: cách nay chưa lâu, anh em đang ngồi trò chuyện bỗng nhiên nghe phía bên kia bờ kênh xáng có tiếng kêu thất thanh của con chồn. Cứ ngỡ rằng trăn ăn mồi nên mọi người cầm đèn pin ra soi. Ngay sau khi rọi đèn, tiếng ào ào của lau sậy và tiếng gãy răng rắc của cây khô vang lên khiến mọi người rùng mình. Tiếng kêu của con chồn di chuyển cặp theo bờ kênh. Soi đèn pin lên cây rừa cao khoảng 8m gần đó, mọi người mới há hốc mồm khi thấy con chồn đang lủng lẳng trên ngọn cây và nằm gọn trong miệng con rắn khổng lồ. Hai mắt con rắn bắt đèn đỏ au, mình to hơn cái ca lớn loại 2 lít. Anh em nháo nhào tắt đèn bỏ chạy.

Cách bốn, năm ngày sau cũng vào khoảng 20g, khi đang nhấp cá lóc dưới bờ kênh thì anh Lưu Minh Văn (Tư Khai) nghe phía mép rừng bên kia kênh xáng có tiếng ào ào của lau sậy giống gió bão sắp tới, anh thầm nghĩ “không lẽ nó tới nữa”. Anh quăng cần câu và nhảy lên bờ.

Anh Tẻn xách đèn pin chạy ra soi qua bên kia kênh xáng và gặp ánh mắt của con rắn khổng lồ nhìn thẳng vào đèn pin, đầu từ từ dựng lên cao, lúc này mọi người mới chạy thục mạng. Thấy con rắn khổng lồ lần thứ hai coi như cả chốt không còn ai đủ tinh thần để bám trụ giữ rừng. Cuối cùng do sự động viên của lãnh đạo hạt Vồ Dơi và chi cục kiểm lâm nên anh em quay trở lại với chốt nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, dao mác luôn để sát đầu giường khi ngủ!

Săn ảnh... “thần rắn”

Để chuẩn bị ghi lại hình ảnh rắn hổ mây khổng lồ từng là huyền thoại này, chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo từ máy quay phim, máy chụp ảnh kỹ thuật số có hồng ngoại và một số công cụ khác… để có thể tác nghiệp vào ban đêm, vì nó thường xuất hiện và săn mồi từ khoảng tờ mờ tối đến chập sáng.

Đêm trước khi lên đường vào rừng, những hình ảnh rắn khổng lồ của Hollywood nuốt chửng người ngon lành khiến chúng tôi không sao chợp mắt nổi.

Để “săn” được hình ảnh con rắn khổng lồ, chúng tôi đã đề nghị với anh em mua vịt về làm mồi nhử dụ cho rắn ăn. Anh Lâm Văn Tuấn bàn ra lia lịa: “Ở đây chúng tôi sợ gần chết, muốn cho nó đi khuất mắt mà ông còn dụ cho nó về nữa. Lỡ nó không thèm thịt vịt mà thèm... tụi tôi thì sao?”.

Sau nhiều lần thuyết phục rằng máy chụp hình và quay phim bằng tia hồng ngoại, không có chớp đèn, không có ánh sáng nên con rắn không thấy… thì anh Tuấn và các anh em khác mới chấp nhận.

Không có vịt, thế là anh em phải băng rừng ra khu dân cư mua về hai con, một vịt xiêm, một vịt ta. Khi nghe tôi đề nghị lấy con vịt ta làm mồi còn con vịt xiêm nấu cháo khuya để chờ rắn ra thì có tiếng phản ứng: “Nên cột vịt xiêm, nếu cột vịt ta mà nó... chê hôi lông thì chết cả đám”.

Thế là chúng tôi bơi xuồng mang vịt qua gốc tràm, nơi mà rắn khổng lồ xuất hiện để cột nhử và chờ màn đêm xuống. Tới chiều tối chúng tôi bỗng... rùng người vì ở chòi canh này không có điện, mọi việc đều nhờ vào cây đèn dầu nhỏ xíu. Nếu rắn có rượt thì chắc chắn rằng tôi không biết đường nào để chạy. Chính vì biết điều này nên tôi đã đi một vòng điều nghiên lối thoát thân khiến mọi người cười xòa.

Trời gần chập tối ba người trong chốt nói rằng lâu ngày nhớ vợ quá nên phải về thăm, thế là căn chòi nhỏ chỉ còn lại hai người. Sau đó hỏi người còn lại mới biết anh này mới vừa về đây được mấy ngày, chưa từng chứng kiến rắn khổng lồ xuất hiện nên cũng sợ sốt vó như tôi.

19g, 20g, từng phút chậm chạp trôi qua nhưng chẳng thấy tiếng cây ngã ào ào như trước đây. Âm thanh tĩnh lặng đến rùng người. Bốn bề tối đen như hũ nút. Tiếng vịt vẫn kêu cạp cạp bên kia rừng. Suốt một đêm tôi và anh nhân viên kiểm lâm không thể nào chợp mắt. Một đêm trôi qua trong nặng nề, lẽ nào rắn hổ mây lại chê vịt?

Tôi quyết định thay đổi mồi bằng con mèo. Thế là chúng tôi phải lội ra khu dân cư để năn nỉ người dân bán cho con mèo, một con mèo trên 3kg được mua với giá 80.000 đồng. Con mèo lần này được treo lên thân tràm cho nó giống với con chồn để thu hút rắn đến.

Một đêm nữa lại trôi qua trong tĩnh lặng. Lâu lâu có một làn gió lung lay ngọn tràm khiến chúng tôi giật mình. Trời tối đen như mực.

Đến lúc này chúng tôi mới phát hiện rằng máy quay phim và chụp hình tia hồng ngoại không thể ghi lại hình ảnh trong khung cảnh quá tối tăm phía bên kia bờ kênh. Có thể do khoảng cách giữa máy đến chỗ con mèo quá xa chăng? Hay do nơi đây là rừng thiêng, rắn thiêng nên không thể ghi lại được hình ảnh? Điều đó cũng có thể, suốt mấy ngày đêm ở rừng tôi luôn được mọi người nhắc đi nhắc lại rằng không được dùng từ rắn hổ mây mà nên thay bằng từ gì đó, như từ “thần” chẳng hạn.

Và trong mấy ngày này tôi chỉ dùng hai chữ “thần về” để tránh mọi điều không hay có thể xảy đến. Không biết có phải điều gì đó linh thiêng hay không mà trong mấy ngày chúng tôi ở rừng thì “thần” con cỡ cùm chân (rắn hổ mây con) xuất hiện rất nhiều, một điều chưa từng thấy trước đây khi anh em đi giăng lưới, bắt cá- anh Tẻn cho biết.

Không ghi lại được hình ảnh con rắn khổng lồ trong dịp này là điều đáng tiếc vì không phải ai cũng dễ dàng mục kích được “thần rắn” một lần trong đời. Có lẽ vì thế nên chuyện rắn khổng lồ ở rừng U Minh cứ nửa hư nửa thực như huyền thoại. Riêng tôi sau chuyến đi này, tôi tin đến sái cổ!

Theo Minh Trường - Khánh Quốc

No comments: