Wednesday, October 11, 2006

Tên đường, tên phố ...

Hồi bé đọc truyện lịch sử, em luôn chia các nhân vật lịch sử ra thành “bên mình” và “bên nó”. Ví dụ như Trần Hưng Đạo là bên mình, Trần Quang Khải ban đầu có mâu thuẫn với Trần Hưng Đạo nên là “bên nó”, nhưng sau khi 2 đức ông giảng hoà tắm gội mát xa cho nhau trên du thuyền thì Trần Quang Khải lại sang “bên mình”. Muốn kiểm tra xem kết luận về việc coi ai đó là “bên mình” có đúng không thì cách tốt nhất là xem thử có phố nào mang tên người đó hay không. Nhặt được 1 tấm bản đồ Hà Nội, bắt gặp cái tên là lạ, đến khi tìm hiểu và biết thân thế sự nghiệp người đó rồi, cũng thấy thú vị.

Nhìn bản đồ Hà Nội, có thể thấy phép đặt tên đường cũng có một vài nguyên tắc chứ không hoàn toàn tuỳ tiện.

Thứ nhất là các nhân vật lịch sử cỡ lớn thì được đặt cho những đường phố cỡ lớn ở trung tâm, những nhân vật lịch sử cỡ nhỏ thì được đặt tên cho những đường phố cỡ nhỏ. Ví dụ Ngô Văn Sở là tướng dưới quyền Quang Trung nên phố Ngô Văn Sở phải nhỏ hơn phố Quang Trung. Cung oán ngâm được đánh giá là dưới phân Truyện Kiều nên phố Nguyễn Gia Thiều phải bé hơn phố Nguyễn Du… Ở đây không tính những phố to mới mở ở ngoại vi vì khi những phố này ra đời thì quỹ những cái tên nhân vật lịch sử hạng nhất đã xài hết rồi, phải dùng đến những nhân vật ở tuyến 2.

Thứ hai là những nhân vật lịch sử thân nhau thì phố mang tên họ cũng gần nhau. Chẳng hạn phố Yết Kiêu phải ở gần phố Dã Tượng, mấy ông Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân quấn túm về 1 cụm, mấy ông Trần Nhật Duật, Quang Khải, Khánh Dư nằm nối đuôi nhau phía bờ đê sông Hồng, nhìn sang Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan chói lọi hào khí Đông A…

Việc đặt/đổi tên đường cũng là 1 phần của sử, nó cho thấy thái độ của nhà cầm quyền đối với những nhân vật/sự kiện trong quá khứ. Chẳng hạn thời thuộc Pháp, phố xá VN thường mang tên những viên quan cai trị thực dân. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, những ông bà nào là bên mình với người Pháp lại là bên nó với CP Trần Trọng Kim nên tên đường phố bị đổi hết cả. Sang thời dân chủ cộng hoà, lại đổi 1 lần nữa. Đọc báo thấy nói 1 bác đạp xích lô ở TP.HCM than thở với nhà văn Nguyễn Tuân cái điều bác ta sợ nhất sau ngày 30/4 là đổi tên đường. Chuyện Sài Gòn những năm 75-76 em chỉ nghe kể lại, nhưng chuyện Mạc Tư Khoa hồi năm 91 với rất nhiều bến metro mang tên các nhà lãnh đạo CS bị đổi lại tên thì em đã trải qua nên phần nào hiểu được tâm trạng của người đạp xích lô này. Hồi năm 91 nhà cầm quyền Nga gạt rất nhiều lãnh tụ CS khỏi tên đường phố, nhưng không phải bỏ tất. Cũng có sự cân nhắc nặng nhẹ, chẳng hạn ông gì sky, trùm KGB chuyên diệt người Nga phản động thì bị xóa khỏi bảng tên đường, nhưng mấy ông tướng Hồng quân chỉ diệt phát xít Đức thôi thì vẫn ở lại.

VN ổn định chính trị từ năm 75 đến nay thế nhưng chuyện đặt tên đường phố không phải đã hết chuyện. Thỉnh thoảng vẫn đọc được trên báo những thắc mắc ông này ông nọ không xứng đáng được đặt tên đường. Năm kia năm ngoái có 1 bác viết trên báo Văn nghệ đòi đổi tên phố Đặng Tất vì ông này, theo bác đó, có tính lá mặt lá trái, lừa thầy phản bạn, làm quan nhà Trần rồi lại theo Hồ Quý Ly, có dính líu đến việc sát hại tôn thất nhà Trần, khi Minh sang lại dâng thành hàng Minh, có liên can đến cái chết của 1 người bạn, cuối cùng bỏ Minh theo Hậu Trần, đại khái chế độ nào cũng có lộc. Bác phàn nàn là bác ý kiến lâu lắm rồi mà chẳng ai nghe, mãi mới có tờ Văn Nghệ chịu đăng. Văn Nghệ đăng kỳ trước thì mấy kỳ sau phải đăng những ý kiến phản đối gay gắt của 1 số người viết sử và cả dòng dõi họ Đặng. Sau khi bác bỏ vài sự suy diễn quá đà, ý kiến chốt lại là Đặng Tất vẫn là 1 danh nhân có công trong lịch sử. Thì em đã bảo rồi, cứ cho ngày trước Đặng Tất là bên nó đi, nhưng việc ông theo Hậu Trần đánh Minh mấy trận thắng to thì cuối cùng đã thành bên mình rồi.

Còn có 1 bác ở Hải Phòng thắc mắc khá nhiều lần về chuyện phố Lê Quýnh. Lê Quýnh là 1 ông quan nhà Lê, theo Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu. Ở bên Tàu ông không chịu cắt tóc theo kiểu Mãn Thanh, cương quyết bảo vệ văn hóa dân tộc. Cái bác phản đối Lê Quýnh thì phản đối cái tội đi theo vua bán nước Lê Chiêu Thống, những bác bênh Lê Quýnh thì ca ngợi hành vi cương quyết bảo vệ đầu tóc dân tộc. Chẳng biết đằng nào đúng hơn. Cái phố Lê Quýnh ở Hải Phòng nhỏ tí tẹo, chuyện tranh cãi về phố Lê Quýnh cũng nhỏ tí tẹo, trong khi chuyện đất cát ở Đồ Sơn to gấp vạn lần, nên lãnh đạo Hải Phòng treo đấy, bảo là vẫn đang nghiên cứu, chưa có kết luận cuối cùng.

Lại nói chuyện Hải Phòng. Tỉnh này có 1 nhân vật lịch sử cực kỳ độc đáo là cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi đề án nhân sự cụ đề xuất không được vua Mạc phê duyệt, cụ từ chức về quê lập 1 tổ chức phi chính phủ, 1 trung tâm dự báo tương lai và tư vấn chính trị mà khách hàng của cụ là cả 3 tập đoàn Mạc, Trịnh, Nguyễn. Ban đầu lãnh đạo Hải Phòng không đánh giá đúng tầm vóc của cụ nên phố Trạng Trình chỉ là 1 phố bé tí gần chợ Sắt. Sau này thành phố mở mang có nhiều phố mới, lại có thêm 1 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Kết quả là ở Hải Phòng, cụ Khiêm được đặc cách sở hữu 2 phố liền.

Việc đem tên danh nhân đặt cho đường phố, trường học, công viên… cũng có cái dở. Có lần em được nghe 1 vị lãnh đạo sở giáo dục 1 địa phương nọ phàn nàn: “Cái thằng Nguyễn Văn X. bậy bạ quá thể, phụ huynh học sinh người ta tố cáo ầm ầm!”. “Thằng Nguyễn Văn X.” ở đây không phải là ông Nguyễn Văn X., 1 danh nhân VN mà là ban giám hiệu trường phổ thông Nguyễn Văn X. (tên thật của Nguyễn Văn X. trong trường hợp cụ thể này khác cơ, nhưng mà em gọi trại đi như thế, để tránh lộ bí mật quốc gia).

(Bài này được copy từ blog của một người bạn không quen trên thanhnienxame.net)

No comments: