Tuesday, November 21, 2006

Cuộc chiến trên thị trường phân phối

“Cuộc chiến” giành thị phần của các đại gia

TP - Việc Hapro (Tổng Cty Thương mại Hà Nội) khai trương hệ thống gần 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Thủ đô ngay sau khi VN gia nhập WTO cho thấy “cuộc chiến” giành thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại Hà Nội của các đại gia đã bắt đầu.

“Cuộc chiến” giành thị trường bán lẻ tại Hà Nội ngày càng gay gắt.
“Cuộc chiến” không cân sức

Hiện tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua các kênh phân phối hiện đại tại Hà Nội chiếm trên 10% tổng lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ này sẽ nhanh chóng thay đổi khi chúng ta đã gia nhập WTO.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 70 siêu thị, trung tâm thương mại, song hơn 1/3 trong số này chưa đáp ứng được chuẩn mà Bộ Thương mại ban hành.

Đa số các trung tâm thương mại, siêu thị (TTTM, ST) đều có quy mô nhỏ. Hapro- một “đại gia” đầy kinh nghiệm trong hoạt động thương mại hiện có đến 400 điểm bán lẻ nhưng tổng diện tích chỉ đạt 120.000m2, thậm chí có cửa hàng chỉ rộng 8m2.

Ông Nguyễn Hữu Thắng -Tổng Giám đốc Hapro - nêu 4 khó khăn của hệ thống thương mại Hà Nội: Mặt bằng manh mún; vốn ít, thương hiệu chưa mạnh, hạ tầng thương mại yếu kém; tính chuyên nghiệp chưa cao, công nghệ lạc hậu; đặc biệt là tư duy “cửa hàng bách hóa” của thời bao cấp vẫn ăn sâu trong một số cán bộ nhân viên ngành thương mại.

“Nếu chúng ta không có sự liên kết, nhanh chóng đổi mới phù hợp sẽ có thể bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay trên sân nhà. Bởi với ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý…, ngay sau khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các tập đoàn phân phối lớn nước ngoài sẽ thiết lập các mạng lưới phân phối hiện đại và giành quyền kiểm soát thị trường bán lẻ” - Ông Phú cảnh báo.

Điều cảnh báo của ông Phú là có cơ sở, Hà Nội hiện chỉ có một vài “đại gia” quốc tế song đã làm “chao đảo” thị trường bán lẻ mấy năm lại đây. Chỉ với hai tập đoàn Metro và Bourbon đã chiếm gần 100.000 m2 sàn kinh doanh.

Với số vốn 30.000.000 USD trong thời gian tới, Bourbon sẽ tiếp tục triển khai mở 4-5 đại siêu thị trong chuỗi siêu thị Big C và khoảng 10 siêu thị có diện tích nhỏ hơn tại địa bàn Hà Nội.

Không chỉ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như: Big C; Metro Thăng Long còn có hệ thống hàng hóa đa dạng, các chương trình khuyến mãi lớn, hệ thống quản lý chuyên nghiệp…, đang là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các siêu thị và hệ thống bán lẻ trên thị trường Hà Nội.

“Trứng” không ngại chọi với “đá”!

Theo Sở Thương mại Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa (LCHH) và doanh thu dịch vụ trong 10 tháng đầu năm 2006, ước đạt 227.728 tỷ đồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ 2005). Trong đó tổng mức LCHH bán lẻ đạt 45.504 tỷ đồng (tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2005).

Riêng chỉ trong tháng 10 vừa qua, tổng mức LCHH và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 24.794 tỷ đồng (tăng 2,4% so với tháng 9/2006).

Nhiều doanh nghiệp thương mại Hà Nội đang bước vào cuộc chạy đua nước rút với việc đa dạng mô hình và phương thức kinh doanh như: Hợp tác xã, Cty TNHH, cổ phần, liên doanh - liên kết, nhượng quyền thương mại....

Cty TNHH Phú Thái (Hà Nội), là một nhà phân phối bán buôn tổng hợp do tư nhân đầu tư. Hiện Phú Thái có 6 Cty thành viên, 12 trung tâm phân phối chính và các trung tâm kho vận.

Ngoài ra, Phú Thái còn có 100 nhà phân phối phụ, hàng nghìn đại lý bán sỉ, đại lý bán lẻ; hệ thống các cửa hàng trọng điểm...

Lãnh đạo Phú Thái tin tưởng rằng, với lợi thế kinh doanh trên sân nhà, am hiểu thị hiếu tập quán mua sắm của người dân, trong thời gian tới họ sẽ đẩy mạnh hệ thống phân phối bán lẻ trong toàn quốc.

Hapro cũng đang “lột xác”. Ngày 11/11 vừa qua Tổng Cty này đã đồng loạt khai trương gần 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh. Đây được xem là bước đột phá trong công nghệ kinh doanh của Cty này. Ông Thắng tự tin: Chúng tôi có thế mạnh mà các đại gia quốc tế không có. Ví như, mặt bằng kinh doanh, đặc biệt là thói quen và tâm lý tiêu dùng.

Trên thực tế, cho dù phát triển rất mạnh nhưng hệ thống phân phối đại siêu thị cũng chỉ đạt xấp xỉ 20%-25% tổng lượng hàng hóa luân chuyển. Vì vậy cánh cửa cho hệ thống bán lẻ còn khá rộng.

Hiện Hapro đang gấp rút đầu tư hàng loạt các trung tâm thương mại với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Trung tâm thương mại Cát Linh; trung tâm thương mại tại 173 Xuân Thủy; 102 Thái Thịnh và 172 Ngọc Khánh, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

No comments: