Wednesday, November 15, 2006

Ngành nữ trang trước WTO

DN vàng bạc đối mặt với khó khăn

TP - Chất lượng nữ trang VN bị đánh giá là còn nhập nhèm về tiêu chuẩn, công nghệ không đồng bộ nên khi vào WTO, DN sản xuất, kinh doanh vàng bạc, đá quý trong nước sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh nhiều hơn là cơ hội.

Ảnh: Hồng Vĩnh

Mặc dù theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, năm 2003 kim ngạch xuất khẩu vàng nữ trang của nước ta đạt 50 triệu USD, năm 2004 là 80 triệu USD.

Chất lượng có làm mất thị phần?

Cả nước hiện có khoảng 8.000 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu vàng bạc đá quý (VBĐQ). Theo Hiệp hội kinh doanh vàng VN, khi WTO mở cửa đón chào Việt Nam thì cũng chính là lúc thị trường nữ trang - vàng bạc - đá quý trong nước phải chống chọi với hàng loạt khó khăn...

Cùng với việc thực hiện các cam kết WTO, trước mắt, nữ trang Việt Nam đã phải đối mặt với lộ trình AFTA. Theo đó, thay vì chịu mức áp thuế 40%, hàng nữ trang ngoài khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm dần về 0%.

Với công nghệ sản xuất nữ trang của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... có nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới lạ và nếu giá cả hấp dẫn người tiêu dùng thì chắc chắn DN sản xuất nữ trang trong nước sẽ ít nhiều mất khách.

Vấn đề này càng bức xúc hơn khi các sản phẩm ngoại thì luôn đạt chất lượng “chuẩn”, còn hàng “nội” thì nhức nhối bởi thực tế nhiều DN sản xuất nữ trang đã gian lận tuổi vàng.

Hội đồng Vàng thế giới cho hay, năm 2005 người VN sử dụng 31 tấn nữ trang vàng. Riêng TP HCM sản lượng nữ trang ước đạt 2,5 triệu sản phẩm/năm.

Tuy nhiên, các DN sản xuất kinh doanh vàng hiện nay manh mún trong tổ chức sản xuất Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thống nhất về chất lượng vàng nữ trang cũng như không có biện pháp quản lý chất lượng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Cần thiết nhất lúc này là Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp quản lý chất lượng (tuổi) đối với sản phẩm vàng nữ trang” - Một Giám đốc Chi nhánh thuộc Cty Vàng bạc đá quý (Ngân hàng NN & PTNT) khẳng định.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới - đề xuất: Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Tổng cục tiêu chuẩn đo lường ban hành hệ thống tiêu chuẩn vàng nữ trang VN.

Ngoài ra, Nhà nước phải có chế tài phạt khi phát hiện vi phạm chất lượng hoặc khiếu nại chính đáng của khách hàng và nên thành lập trung tâm kiểm định chất lượng vàng tại TPHCM và Hà Nội để hỗ trợ người tiêu dùng...

Tự bảo vệ mình và đáp ứng yêu cầu hội nhập

Chất lượng nữ trang còn kém, công nghệ thiếu đồng bộ chính là những lý do khiến nữ trang Việt Nam được cảnh báo sẽ khó khăn hơn khi xuất khẩu.

Dù trong các kỳ hội chợ vừa qua, nữ trang Việt Nam cũng “gặt” được một vài giải thưởng (Bộ nữ trang “Lạc Việt” của Cty SJC đoạt giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Hội đồng Vàng Thế giới tại Hội thi Nữ trang Việt Nam 2000; bộ nữ trang “Chất sống” (PNJ) vào chung kết cuộc thi “Thiết kế mẫu nữ trang toàn thế giới Gold Virtousi 2002” tại Ý...), tuy nhiên đó vẫn chỉ là hàng đem đi “thi thố”.

Nhìn trên phương diện tổng thể, Hiệp hội Vàng nhận xét: Điểm yếu của nữ trang Việt Nam là chúng ta còn kém về tính đồng đều của sản phẩm, chất lượng sản phẩm trang sức chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

Theo Hiệp hội Vàng, Việt Nam gia nhập WTO, về lâu dài, các DN kinh doanh vàng bạc trong nước nên phát huy mũi nhọn xuất khẩu nữ trang Đại diện một Cty của Mỹ đã phân tích: mức thuế nhập khẩu nữ trang VN vào thị trường Mỹ theo lộ trình sẽ giảm mạnh, đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam.

Thông tin mới nhất hiện nhiều doanh nghiệp vàng tại TPHCM có quy mô lớn như SJC, PNJ và các DN tư nhân đang ráo riết lên kế hoạch nhập máy móc, thiết bị, hóa chất cùng công nghệ chế tác vàng.

Trong tháng 12 tới, SJC dự kiến sẽ đưa thêm một xưởng nữ trang vào vận hành. Khi xưởng nữ trang này đi vào hoạt động, SJC sẽ có nhiều điều kiện nâng cao kỹ thuật, mẫu mã để thu hút khách hàng và đạt đích ngắm - xuất khẩu.

No comments: