Tuesday, November 07, 2006

Ferguson - 20 quyết định quan trọng, phần 1

20 quyết định lớn nhất của Ferguson ở MU (phần một)

Trong hai thập niên dẫn dắt "Quỷ đỏ", HLV người Scotland không ít lần bị chỉ trích bởi cách xử lý vấn đề có phần độc đoán. Không phải tất cả đều thành công, nhưng 20 năm qua, Fergie đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, góp phần giúp MU trở thành một đế chế bóng đá hùng mạnh như hiện nay.

Alex Chapman Ferguson hay
Alex Chapman Ferguson hay "Fergie" đã trở thành huyền thoại tại sân Old Tralford vì những đóng góp to lớn cho MU.

Như HLV 64 tuổi người Scotaland từng nhiều lần thừa nhận, tính quyết đoán và khả năng tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh là hai yếu tố quan trọng nhất, là sợi chỉ xuyên suốt sự nghiệp cầm quân của ông. Yếu tố đầu tiên, theo quan điểm của Ferguson, là phẩm chất quan trọng nhất mà bất kỳ HLV bóng đá chuyên nghiệp nào cũng cần phải có. Trong khi đó, yếu tố thứ hai giúp ông và các học trò tự làm mới mình để vượt qua những áp lực khủng khiếp mà thứ bóng đá hiện đại ngày nay mang lại.

20 năm làm việc cho MU là 20 năm Fergie phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhưng tất cả những điều đó vẫn không thể ngăn cản ông trở thành nhà cầm quân huyền thoại của MU. Với 17 danh hiệu lớn nhỏ trong 20 năm làm việc ở sân Old Tralford, rõ ràng người đàn ông Scotland có tính khí nóng như lửa này xứng đáng được vinh danh cạnh những bậc tiền bối vĩ đại như Bill Shankly, Bob Paisley, Matt Busby và, tất nhiên, cả Jock Stein.

Dưới đây là 20 quyết định được cho là lớn nhất trong nghiệp cầm quân của Alex Ferguson, kể từ khi ông đến với đội chủ sân Old Tralford cách đây tròn 20 năm (ngày 6/11).

1. Chấp nhận làm HLV trưởng MU

Vào tháng 11/1986, MU chỉ đứng thứ 19 trong 22 đội ở giải hạng nhất Anh (khi đó giải Ngoại hạng còn chưa ra đời) với thành tích 3 thắng, 4 hòa sau 13 trận. Vì thế, đừng nói đến chuyện cạnh tranh chức vô địch với Liverpool, trụ hạng mới là mục tiêu hàng đầu của "Quỷ đỏ". Hơn nữa, do tình hình tài chính khó khăn lúc đó, CLB cũng không có nhiều tiền để mua thêm cầu thủ và trả lương hậu hĩ HLV.

"Ngài Alex" ngày mới đến sân Old Tralford. Ảnh: S&S Library.

Bất chấp thực trạng không mấy sáng sủa đó, Fergie vẫn chấp nhận ngồi vào chiếc ghế HLV nóng bỏng ở sân Old Tralford mà người tiền nhiệm Ron Atkinson để lại, với mức lương chưa đến 30.000 bảng mỗi năm, chỉ bằng một phần tư so với số tiền mà ông nhận được khi còn dẫn dắt Aberdeen. Chưa hết, khi biết chuyện, vợ con ông phản đối rất kịch liệt, Fergie đáp lại với thái độ cương quyết: "Dẫn dắt MU không chỉ là công việc mà còn là bổn phận và trách nhiệm của tôi".

2. Xóa sạch và làm lại từ đầu

Không như những HLV mới lên chức khác, Ferguson chẳng buồn quan tâm đến nội tình đội bóng trước đó như thế nào. Ông bắt tay vào thực hiện kế hoạch riêng của mình, đầu tiên là chỉ ra "căn bệnh" khiến MU chơi tồi: tật nghiện rượu của các trụ cột như Whiteside, McGrath, Robson... và sự can thiệp quá sâu từ giới truyền thông. "Thuốc chữa liều cao" ngay lập tức được đưa ra khi Fergie cấm tiệt việc tiếp xúc với báo chí và buộc cả đội phải thực hiện "chế độ thiết quân luật" với những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về tập luyện, dinh dưỡng, trang phục và giờ giấc. Bên cạnh đó, Fergie cũng cho khởi động hệ thống săn lùng tài năng và thúc giục CLB mở học viện bóng đá dành cho các cầu thủ trẻ.

3. Từ chối mua John Barnes

Mùa hè năm 1987, Ferguson được đồng nghiệp Graham Taylor mách nước mua John Barnes, cầu thủ chạy cánh triển vọng nhất của bóng đá Anh thời bấy giờ, với giá 900.000 bảng từ Watford. Tuy nhiên, HLV của MU đã thẳng thừng từ chối và đặt niềm tin vào Jesper Olsen bằng cách gia hạn hợp đồng với tiền vệ người Đan Mạch này. Tuy nhiên, quyết định này khiến Fergie phải nhận "quả đắng" khi Olsen rớt phong độ thảm hại còn John Barnes lại tỏa sáng rực rỡ ở Liverpool. Về sau, trong cuốn tự truyện của mình, ông thừa nhận: "Là con người, ai cũng có lúc đúng, có lúc sai. Nhưng rõ ràng tôi đã quá chủ quan khi để vuột mất Barnes". Đã sai lầm, nhưng việc "cả gan" từ chối một tài năng lớn như danh thủ người gốc Jamaica này, cũng phản ánh phần nào tính cách mạnh mẽ và độc đoán đến mực cực đoan của Fergie

4. Thanh lọc những trụ cột từ thời Ron Atkinson

Mùa giải thứ hai của Fergie ở sân Old Tralford kết thúc không như mong đợi khi MU rơi xuống vị trí thứ 11 và điều này đã thúc giục ông đi đến quyết định "thay máu" cho đội bóng. Cái tên đầu tiên phải cuốn gói ra đi là Gordon Strachan (3/1989), bất chấp sự phản đối quyết liệt của các CĐV. 4 tháng sau, Fergie lại khiến tất cả phải sửng sốt khi bán luôn Norman Whiteside và Paul McGrath cho Everton và Aston Villa khi cả 2 anh này đang chơi tốt và rất được lòng đồng đội cũng như giới CĐV. Nhưng Fergie có lý do riêng của mình: ông tin rằng tệ uống rượu trong các cầu thủ MU sẽ chấm dứt nếu hai "kẻ đầu têu" bị tống cổ ra khỏi tập thể. Và để thay thế bộ đôi nghiện ngập kể trên, ông mang về sân Old Tralford hai tài năng trẻ Paul Ince (từ West Ham) và Gary Pallister (từ Middlesbrough).

5. "Câu" Cantona từ Leeds Utd

Với Cantona, Fergie và MU đã bước lên một tầm cao mới ở giải Ngoại hang.
Với Cantona, Fergie và MU đã bước lên một tầm cao mới ở giải Ngoại hang.

Có thể nói không ngoa rằng tiền đạo giàu cá tính người Pháp chính là bản hợp đồng thành công nhất mà Fergie mang về cho "Quỷ đỏ". Nhưng ít ai biết rằng, ông thực hiện thương vụ này trót lọt một cách hoàn toàn tình cờ. Kết thúc mùa giải 1991-1992, MU cán đích ở vị trí á quân và Fergie tin chắc rằng hàng công yếu kém là nguyên nhân khiến "Quỷ đỏ" để mất Cup vô địch vào tay Leeds Utd.

Vì vậy, trong mùa hè năm 1992, ông ký hợp đồng với Dion Dublin, nhưng anh này chỉ đá được vài vòng rồi bị gãy chân. Và khi Fergie đang sốt vó tìm người thay thế thì ông nhận được lời đề nghị mua Dennis Irwin từ Leeds Utd. Chẳng những không chấp thuận để hậu vệ người Ireland ra đi, mà Fergie còn "câu" luôn của đối phương Eric Cantona, chân sút đang bất đồng sâu sắc với BLĐ và các CĐV Leeds, với mức giá bèo 1,2 triệu bảng. Và sau đó thì như chúng ta đã biết, Cantona trở thành một biểu tượng của MU xuyên suốt những năm 1990 và được các CĐV đặt cho biệt danh "King Eric".

6. Kiên nhẫn với Cantona

"Sa thải" là ý nghĩ đầu tiên của Fergie sau sự kiện Cantona tung cú "kungfu" đầy tai tiếng nhằm vào một CĐV trên sân Selhurst Park tháng 1/1995. Nhưng khi bình tâm lại, ông quyết định sẽ cho cầu thủ ngổ ngáo người Pháp thêm một cơ hội để làm lại. Fergie cũng đứng ra dùng chính uy tín cá nhân của mình để bảo vệ "King Eric" trước sự chất vấn của ban lãnh đạo MU và giới truyền thông.

Tuy nhiên, do không chịu được sức ép khủng khiếp từ giới dư luận và án phạt cấm thi đấu 8 tháng của FA, tiền đạo này đã bỏ về Pháp trong nỗi thất vọng cùng cực. Và khi Cantona đã tính đến chuyện chia tay sân cỏ thì Fergie đích thân sang Pháp để thuyết phục anh trở lại. Và "King Eric" đã không phụ lòng ông thày bằng màn trình diễn tuyệt vời cùng một lô bàn thắng giúp MU đoạt cú đúp vô địch giải Ngoại hạng và Cup FA ở mùa giải 1995-1996.

7. Đặt niềm tin vào thế hệ Beckham

6 năm sau đợt thanh lọc lực lượng lần thứ nhất, Fergie lại gây náo động thành Manchester và hàng triệu CĐV MU trên toàn cầu với quyết định bán một lúc 3 trụ cột Paul Ince (cho Inter), Andrei Kanchelskis (Everton) và Mark Hughes (Chelsea). Nhưng khác với lần trước, ông không mua về bất cứ tên tuổi nào để thay thế mà đôn một loạt cầu thủ trẻ như anh em nhà Neville, David Beckham, Paul Scholes và Nicky Butt lên đội A.

Dưới sự dìu dắt của Fergie, thế hệ những Beckham, Scholes và anh em nhà Neville đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi lớn trong làng túc cầu thế giới.

8. "Khích tướng" Kevin Keegan

Mùa giải 1995-1996, Newcastle chơi ấn tượng với thành tích toàn thắng 13 trận trên sân nhà và có lúc bỏ xa MU tới 12 điểm khi bước vào năm mới 1996. Tuy nhiên, cục diện cuộc đua đã thay đổi theo hướng ngược lại sau khi thày trò Ferige hạ Newcastle 1-0 (Cantona ghi bàn) ngay tại St. James Park ngày 4/3/1996. Và HLV người Scotland nảy ra ý định phải làm điều gì đó để đối thủ mất tập trung.

Cơ hội đã đến khi MU hạ Leeds 1-0 (Roy Keane ghi bàn) ngày 17/4/1996, Fergie lên truyền hình nói rằng rằng ông tin chắc Leeds sẽ đánh bại Newcaslte sau đó 12 ngày. Lời khích tướng này khiến HLV Kevin Keagan của đối phương sôi lên sùng sục và lên tiếng trả đũa sau khi "những chú chích chòe" thắng Leeds Utd 1-0 (Gillespie): "Tiên đoán của Fergie sai bét, chúng tôi vẫn chiến thắng và tôi lấy làm hạnh phúc vì điều đó". Tuy nhiên, có lẽ do hưng phấn quá mức với chiến thắng này, Newcastle liên tiếp mất điểm ở 2 vòng đấu cuối cùng và ngậm ngùi nhìn MU vượt lên, ẵm Cup vô địch.

9. Gia cố đội hình trong mùa hè năm 1998

Rất nhiều đối thủ đã cười thầm khi thấy Fergie bỏ ra 16,7 triệu bảng, kỷ lục chuyển nhượng đối với một hậu vệ thời bấy giờ, để tậu Jaap Stam từ PSV, dù anh này chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt ở World Cup 1998. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục khiến dư luận và giới chuyên môn phải sửng sốt khi hoàn thiện đội hình bằng thương vụ mua Dwight Yorke với giá 12,6 triệu bảng. Dù chơi rất cừ ở Aston Villa, ít người tin rằng trung phong người Trinidad&Tobago đủ đẳng cấp để giúp MU giành lại vương miện giải Ngoại hạng từ Arsenal. Bất chấp lời dị nghị của thiên hạ, Stam, Yorke dần khẳng định vị trí và trở thành hai trong số ít trung vệ và tiền đạo hay nhất châu Âu, góp phần quan trọng giúp MU đoạt "Cú ăn ba" nổi tiếng ở mùa giải 1998-1999.

10. Chơi ván bạc liều lĩnh ở Barcelona

MU không thể thắng Bayern nếu Fergie không mạo hiểm dùng Solskjaer và Sheringham (giữa).
MU không thể thắng Bayern nếu Fergie không mạo hiểm tung Solskjaer và Sheringham (giữa) vào sân ở cuối hiệp hai.

Phút 66 trận chung kết Champions League mùa giải 1998-1999, MU đang bị Bayern dẫn 1-0 (Mario Basler) nhưng lại chơi cực kỳ bế tắc trước hàng thủ được tổ chức chặt chẽ của đội bóng Đức. Và Fergie đã có một quyết định, dù cực kỳ mạo hiểm, được cho là sáng suốt nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông ở MU khi lần lượt tung Sheringham (thay Jesper Blomqvist) rồi Solskjaer (thay Andy Cole) vào sân để chơi với 3 tiền đạo trong nửa cuối hiệp hai. Kết quả thật mỹ mãn khi 2 tiền đạo dự bị này liên tiếp lập công trong 2 phút cuối cùng, hoàn tất cú ngược dòng kinh điển, mang về cho "Quỷ đỏ" chức vô địch châu Âu thứ hai trong lịch sử.

No comments: