Thursday, November 02, 2006

Sự lớn lên của thị trường trong nước

Sự lớn lên của thị trường trong nước
23:55:08, 01/11/2006
Ngọc Minh

Thị trường trong nước mà biểu hiện tổng quát của nó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Thấy gì từ các chỉ tiêu này trong 10 tháng qua theo công bố của Tổng cục Thống kê?

Thứ nhất, thị trường trong nước đã đạt quy mô tương đối khá và tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Mới qua 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt 470 nghìn tỉ đồng, gần bằng với mức trong cả năm của năm ngoài.

So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng tới 20,5%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ (khoảng 7%), thì vẫn còn tăng 12,6%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó chứng tỏ, tiêu thụ trong nước đã trở thành một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế chung.

Thứ hai, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân một người một tháng đã đạt 550 nghìn đồng - một con số mà cách đây chỉ vài ba năm thôi, phần đông người tiêu dùng Việt Nam và không ít các nhà dự đoán, kể cả các chuyên gia dự đoán lạc quan nhất - cũng chưa thể nghĩ đến! Mặc dù tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái trên thị trường Việt Nam, thì mức bình quân đó chỉ mới đạt khoảng 35 USD, nhưng nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương (1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với gần 5 USD tại Mỹ), thì lên tới khoảng 175 USD! Với số dân đông (hiện lên đến trên 84 triệu người, đứng thứ 13 trong tổng số hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới), mỗi năm vẫn còn tăng trên 1 triệu người, lại có mức tiêu thụ tăng nhanh, đã làm cho "dung lượng" thị trường trong nước của Việt Nam trở thành niềm mơ ước của các nhà đầu tư, xuất khẩu quốc tế. "Dung lượng" đó cùng với việc mở cửa ngày một sâu rộng và việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ còn tính bằng ngày của Việt Nam có tác dụng "mời gọi" các nhà đầu tư, thương mại quốc tế, tạo thành "làn sóng" thứ ba (làn sóng thứ nhất khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987; làn sóng thứ hai sau khi Mỹ bỏ cấm vận năm 1994 cùng với việc các tổ chức tài trợ song phương, đa phương hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam năm 1993 và việc tham gia ASEAN năm 1995). Ngoài những yếu tố về dân số đông, mức bình quân đầu người tăng như trên, còn có một yếu tố rất quan trọng khác là tỷ lệ tiêu dùng thông qua thị trường của người dân cũng tăng lên nhanh chóng (nếu năm 2000 mới đạt 68,5%, thì đến năm 2005 đã tăng lên đạt 82,1% và khả năng năm nay theo ước tính chuyên gia sẽ đạt xấp xỉ 85%). Điều đó chứng tỏ tính tự cấp tự túc đã giảm, tính hàng hóa của nền kinh tế đã tăng lên tương đối nhanh. Đây là một yếu tố đáng lưu ý trong cơ chế thị trường.

Thứ ba, chi phối thị trường tiêu thụ trong nước là loại hình kinh tế ngoài nhà nước (chiếm 84,8% và tăng với tốc độ cao nhất; trong đó tư nhân chiếm 21,3% và tăng cao nhất (24,1%). Tỷ trọng của loại hình kinh tế nhà nước đã giảm xuống (chỉ còn chiếm 12,6%) và tăng thấp (chỉ có 9,2%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy còn chiếm tỷ trọng thấp (2,6%), nhưng cũng tăng khá (20,5%). Nhiều chuyên gia dự đoán, khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng nhanh, còn tỷ trọng của khu vực cá thể sẽ giảm mạnh do có một bộ phận sẽ trở thành đại lý của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng: chi tiêu dùng cho việc mua hàng hóa vật chất tăng thấp hơn tốc độ chung (19,7%) và tỷ trọng đã giảm so với trước đây (từ 88% năm 1990 xuống còn 83,4% vào năm 2000, còn 77,9% năm 2005, năm nay có thể còn thấp hơn); chi tiêu dùng cho dịch vụ (gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ khác) tăng cao hơn tốc độ chung và có tỷ trọng tăng lên.

Sự lớn lên của thị trường trong nước cùng với sự chuyển dịch cơ cấu của nó là kết quả của tăng trưởng kinh tế, của sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, có tác dụng "kép": vừa là động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, vừa là động lực của tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, về mặt thị trường, cần có sự liên kết để hình thành hệ thống, gia tăng quy mô để có điều kiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa khâu kinh doanh; về mặt tiêu dùng, cần giáo dục cho một bộ phận đang chi tiêu quá với mức thu nhập của mình, sùng hàng ngoại hoặc vừa mới giàu lên đã không dành một phần cho tích lũy tái đầu tư mà chi tiêu theo kiểu giàu xổi...

Ngọc Minh

No comments: